Để hương chè Định Hóa bay xa
2025-05-13 20:00:00.0
Xã Phú Đình có diện tích trồng chè với hơn 200 ha
Xác định chè là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, những năm qua, huyện Định Hóa đã tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng chè, chuyển đổi cơ cấu giống và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm trà.
Về xã Phú Đình những ngày này, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đồi chè hòa với màu xanh của núi rừng. Là địa phương có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp nên xã Phú Đình có diện tích trồng chè với hơn 200 ha và cây chè cũng đang khẳng định vị thế là cây “giảm nghèo” của người dân nơi đây.
Sau khi vượt đường núi quanh co, chúng tôi có mặt tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Thịnh (xóm Phú Ninh, xã Phú Đình) bên chén trà, chúng tôi được nghe câu chuyện và khát vọng vươn lên của những người làm chè.
Khu chế biến chè của HTX Nông nghiệp Phú Thịnh, xóm Phú Ninh, xã Phú Đình (Định Hóa)
Ông Đỗ Văn Thao, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thịnh chia sẻ: “Trước đây người trồng chè đều rất vất vả mà thu nhập không cao, người dân vùng chè vẫn nghèo. Nhận thấy xã Phú Đình là một nơi có những điều kiện thích hợp để phát triển cây chè theo hướng sản xuất chè sạch nên chúng tôi quyết định thành lập HTX, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè sạch theo hướng an toàn vệ sinh và thân thiện với môi trường. Năm 2019, HTX được thành lập với 22 thành viên, chúng tôi tiến hành trồng tổng diện tích chè 10 ha theo hướng VietGAP. Những ngày đầu, nhiều thành viên băn khoăn, lo lắng về phương thức trồng và chế biến chè, tuy nhiên được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cùng với ý chí và quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách làm chè, HTX đã từng bước vượt qua những khó khăn để duy trì phát triển”.
Đến nay, mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 2 tấn chè búp khô được sản xuất theo quy trình VietGAP. Doanh thu của HTX đạt khoảng 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 15 lao động với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2024 là một dấu mốc quan trọng khi HTX nông nghiệp Phú Thịnh phấn đấu đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh đối với các sản phẩm trà.
Cũng theo ông Thao, việc sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường sẽ giữ được uy tín với khách hàng, đồng thời góp phần ổn định giá nguyên liệu, giúp người dân có thu nhập cao từ cây chè là những tiêu chí hàng đầu của HTX. Chính vì vậy trong thời gian tới, HTX mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các tổ chức để hỗ trợ HTX tiếp tục phát triển sản phẩm, từ đó không chỉ giúp bà con nâng cao thu nhập mà con đưa thương hiệu chè Phú Thịnh, Định Hóa ngày càng bay xa, sản phẩm được mở rộng thị trường tiêu thụ.
Là một trong những hộ liên kết sản xuất với HTX Nông nghiệp Phú Thịnh, ông Đỗ Công Thành, sinh năm 1955, ở xóm Phú Ninh, xã Phú Đình, huyện Định Hoá cho biết: “Từ khi tham gia HTX, gia đình tôi có kinh tế ổn định hơn. Trước đây 1 sào chè thu được 12 kg trà búp khô chỉ bán được với giá khoảng 100.000 đồng/kg. Những năm gần đây, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, sản lượng chè tăng lên 1 sào chè đạt 18 kg trà búp khô/lứa, giá bán bình quân 250.000 đồng/kg. Tham gia HTX, các hộ thành viên không phải mang chè ra chợ, không còn phải lo lắng đến việc làm ra bán cho ai nữa mà đã có HTX bao tiêu các sản phẩm. Nhờ đó cuộc sống của những hộ làm chè cũng khấm khá dần lên, chúng tôi vô cùng phấn khởi”.
Nhiều hộ dân đầu tư máy móc hiện đại vào chế biến chè
Ông Ma Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đình chia sẻ: Trước đây, người dân chủ yếu trồng giống chè trung du nên năng suất và giá trị kinh tế không cao. Từ năm 2005 trở lại đây, huyện đã thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây chè, khuyến khích người dân thay thế giống chè trung du bằng các giống chè mới có năng suất và chất lượng cao hơn. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn áp dụng những giống chè mới này và kết hợp với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất và chế biến chè. Trước đây, việc sản xuất chè chủ yếu dựa vào phương pháp thủ công, nhưng hiện tại, 100% các hộ sản xuất chè trong làng nghề đã sử dụng các thiết bị hiện đại như tôn quay, máy vò chè bằng inox và nhiều hộ đã đầu tư cả máy tưới chè bằng van xoay, máy sao chè bằng gas, máy đóng gói hút chân không…
Đặc biệt, nhờ vào các chính sách hỗ trợ như: Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển làng nghề truyền thống, tổ chức các lớp đào tạo và tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè, cùng với hỗ trợ chuyển giao ứng dụng máy móc tiên tiến, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè trong những năm gần đây đã được cải thiện rõ rệt.
Chia tay anh Thao chúng tôi đều hy vọng rằng ước muốn của anh sớm thành hiện thực, để cây chè - loại cây nông nghiệp trọng điểm của xã Phú Đình nói riêng và huyện Định Hóa nói chung thực sự có thể giúp người dân thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu.
thainguyen.gov.vn