Đề xuất điều chỉnh các văn bản pháp luật trên tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW
2025-05-19 19:18:00.0
Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Cty Luật TNHH Toàn cầu ATA.
Phóng viên Báo Tin tức và Dân tộc đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA xung quanh vấn đề này.
Thưa bà, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển KTTN với nhiều nội dung mang tính đột phá. Bà tâm đắc nhất những nội dung gì?
Có nhiều vấn đề được cộng đồng DN quan tâm, trong đó có 2 nội dung của Nghị quyết 68 được coi là tiền để cho sự phát triển KTTN, đó là nguyên tắc tạo thuận lợi cho DN và nguyên tắc ưu tiên bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho DN. Cụ thể:
Nguyên tắc tạo thuận lợi hết sức được thể hiện ở việc Nhà nước sẽ không can thiệp hành chính mà trái với nguyên tắc thị trường vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, người dân, DN được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm; chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, kéo dài, không cần thiết; xử nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra gây nhũng nhiễu. Thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Nguyên tắc ưu tiên bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN được thể hiện rõ nét nhất ở giải pháp “không hình sự hoá các vấn đề dân sự, kinh tế”. Thời gian tới, Nhà nước cần sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế thì ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Đồng thời, phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp, của cá nhân những người quản lý trong doanh nghiệp.
Với những chủ trương này, các DN, doanh nhân, nhà đầu tư sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi tham gia đầu tư và sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, gỡ bỏ tâm lý e dè, sợ sai do bị tác động bởi các vụ án kinh tế dồn dập trong thời gian qua.
Theo NQ về cơ chế, chính sách phát triển KTTN vừa được Quốc hội thông qua, việc rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh, quy định chồng chéo cản trở phát triển KTTN cần được hoàn thành chậm nhất ngày 31/12/2025. Quốc hội giao Chính phủ rà soát, sửa đổi quy định về đất đai, quy hoạch, đầu tư. Việc này cần hoàn thành trước 31/12/2026.
Như vậy, năm 2025 sẽ tiếp tục là năm cả hệ thống chính trị làm việc cật lực, nhanh chóng và mạnh mẽ để sửa đổi hàng loạt các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là các văn bản luật trực tiếp điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp, thưa bà?
Sơ chế chuối tại Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai). Ảnh: Hoài Nam/TTXVN
Nhà nước sẽ phải sửa đổi hàng loạt các văn bản liên quan, từ Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật chuyên ngành hướng dẫn về các điều kiện kinh doanh trong từng lĩnh vực.
Mặc dù Luật DN và Luật Đầu tư hiện khá “cởi mở” và “tạo điều kiện” trong việc đăng ký thành lập và điều chỉnh các nội dung đăng ký DN, nhưng thực tế, việc triển khai của các Sở, ban, ngành lại có xu hướng “thận trọng” hơn và kiểm soát chặt chẽ hơn so với quy định.
Các nhà làm luật cần nghiên cứu bổ sung trong Luật và các văn bản dưới Luật các vấn đề sau: Cần bổ sung quy định ghi rõ nguyên tắc cho phép DN được kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm; cần có các quy định rõ ràng xác định các thủ tục “đăng ký kinh doanh” hoặc các thủ tục đăng ký cấp phép khác theo đúng tinh thần là do DN “tự chủ” và “tự chịu trách nhiệm”, nghiêm cấm việc bổ sung thêm đầu mục hồ sơ, thêm thủ tục cho DN.
Cần bổ sung, làm rõ thời gian và số lần tối đa để giải quyết thủ tục, cho ý kiến và bổ sung cơ chế cho phép người thực hiện thủ tục được theo dõi, giám sát hoạt động giải quyết hồ sơ tại các cơ quan có thẩm quyền; cho phép cơ chế “im lặng là đồng ý” đối với trường hợp phải tham gia cho ý kiến hoặc phối hợp thực hiện trong giải quyết hồ sơ nhưng không bảo đảm thời hạn theo yêu cầu.
Sản phẩm OCOP tinh bột nghệ xứ Mường vươn xa thị trường ngoài nước. Ảnh: Thanh Hải/TTXVN
Đối với vấn đề hoàn thiện Luật Đất đai, dù Luật Đất đai năm 2024 đã ban hành “thần tốc”, nhưng việc thực thi vẫn còn nhiều vướng mắc. Nhà nước cần sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn, đặc biệt cụ thể hoá về quyền tiếp cận đất đai công bằng giữa các thành phần kinh tế, tháo gỡ vướng mắc trong giao đất, cho thuê đất cho DN tư nhân.
Bên cạnh đó, một số quy định nổi cộm tại Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP) hiện khiến DN tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) khó lòng cạnh tranh với các DN trong khối Nhà nước.
Cộng đồng DN kỳ vọng KTTN được hưởng nhiều cơ chế đặc biệt. Trong đó có loạt chính sách hỗ trợ tín dụng, đất đai, thuế, áp dụng nguyên tắc không hình sự hóa quan hệ kinh tế... Theo bà, chúng ta cần phải điều chỉnh Luật hỗ trợ DNN&V và các quy định tại Bộ luật Hình sự (BLHS) ra sao để ngăn tình trạng hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự?
Theo tôi, các nhà làm luật cần điều chỉnh, bổ sung Luật hỗ trợ DNN&V để hiện thực hoá các định hướng và giải pháp về hỗ trợ cho DN nêu trên, cụ thể:
Bổ sung cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn, đặc biệt là các nguồn vốn phi ngân sách như tài trợ ODA, vốn vay ưu đãi quốc tế, vốn đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng; bổ sung cơ chế ưu tiên DNN&V trong đấu thầu công, đơn giản hoá điều kiện đấu thầu; bổ sung các chính sách, cơ chế hỗ trợ DNN&V trong việc phát triển năng lực số và đổi mới công nghệ; tạo điều kiện để DNN&V tham gia liên kết chuỗi giá trị với các DN lớn và tham gia chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Tăng cường các chế tài xử lý vi phạm và xây dựng cơ chế quản lý, kiểm soát các hoạt động liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ để tăng tính răn đe, giảm vi phạm tại Luật Sở hữu trí tuệ. Đây cũng là một trong những yếu tố trực tiếp góp phần làm tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Một nội dung trọng điểm của NQ 68 là không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự. Theo đó, định hướng này sẽ tác động rất lớn và cần phải được cụ thể hoá tại các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến tư pháp như lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự và tố tụng dân sự.
Cần bổ sung vào Nguyên tắc xử lý quy định tại Điều 3 BLHS các nội dung thể hiện nguyên tắc “Không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự”; ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; cho phép các DN, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại; không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho DN.
Phân biệt rõ các hành vi vi phạm hợp đồng, sai sót quản lý với các hành vi có dấu hiệu phạm tội hình sự (Tội vi phạm quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng – Điều 219; Tội trốn thuế - Điều 200).
Phân biệt rõ các hành vi vay vốn, hợp tác đầu tư nhưng phát sinh khó khăn không có khả năng trả nợ với các hành vi có dấu hiệu phạm tội hình sự (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản – Điều 174; Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản – Điều 175).
Cần điều chỉnh, bổ sung các quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự vừa để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp vừa tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra; bảo đảm quyền của DN, doanh nhân bị tố giác, kiến nghị khởi tố, trong đó đặc biệt là quyền được thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi ngay từ thời điểm ban đầu, được quyền giữ im lặng cho đến khi có sự có mặt của luật sư và luật sư được toàn quyền tiếp cận hồ sơ vụ án cũng như được tạo điều kiện gặp mặt, làm việc với thân chủ của mình ngay trong điều tra.
Bổ sung quy định cho phép và khuyến khích áp dụng các biện pháp dân sự hoặc kinh tế để khắc phục hậu quả, thiệt hại phát sinh. Đối với những vụ án đã khởi tố nhưng doanh nghiệp đã khắc phục toàn bộ hậu quả, cho phép tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra.
Cần bổ sung các Thông tư liên tịch giữa Toà án nhân dân (TAND) tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Công an và các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để giải thích, làm rõ và hướng dẫn các tiêu chí xác định và/hoặc loại bỏ yếu tố hình sự để làm cơ sở không khởi tố và/hoặc đình chỉ/tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự.
Xin trân trọng cảm ơn bà!