Đổi mới thủ tục hành chính để không gây khó cho các nhà khoa học
2025-04-07 09:43:00.0
Nhiều viện nghiên cứu đang thiếu hụt nguồn nhân lực kế cận tài năng. (Ảnh: VŨ SINH/Báo Nhân Dân)
Thủ tục hành chính đang là trở ngại cho các nhà khoa học, nhất là những chuyên gia từng học tập, làm việc ở nước ngoài trở về Việt Nam cống hiến.
Một người cho biết, đề tài được bảo vệ từ năm 2021, nhưng đến năm 2024 mới được cấp kinh phí; lại phải “hoàn thiện thủ tục” thêm lần nữa khi xây dựng lại kế hoạch mua sắm trang thiết bị, hóa chất. Chưa hết, để muốn sửa hồ sơ cần phải có hội đồng khoa học đánh giá lại. Chỉ riêng thủ tục điều chỉnh nhỏ này cũng tốn không ít thời gian, cộng thêm những vướng mắc về thanh toán, quyết toán...
Bên cạnh đó, các nhà khoa học đang phải tuân thủ những quy định chặt chẽ đến mức thiếu linh hoạt. Nếu ở nước ngoài, việc mua hóa chất có thể đặt hàng bất cứ lúc nào, sau khoảng 2-3 ngày là mua được. Nhưng ở Việt Nam, quá trình này khó khăn hơn không chỉ bởi hóa chất không có sẵn mà còn do cơ chế chưa linh hoạt, phải mua đúng loại đăng ký ban đầu.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho biết, không thể thực hiện theo phác thảo sẵn. Bởi trong quá trình nghiên cứu sẽ có những vấn đề phát sinh cần thay đổi để phù hợp thực tiễn.
Nếu thực hiện nghiên cứu ở nước ngoài, khi cần bổ sung hóa chất, nguyên liệu chỉ phải gửi đề xuất đến bộ phận mua sắm. Tuy nhiên ở Việt Nam, Luật Đấu thầu không cho phép chia nhỏ gói thầu, dẫn đến phải thực hiện mua sắm một lần mà không thể mua sắm thêm khi cần thiết. Một nhà nghiên cứu trẻ cho biết, anh từng phải tự bỏ tiền để mua vật tư vì không kịp hoàn tất thủ tục tài chính...
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được kỳ vọng trở thành “chìa khóa” giúp đất nước bứt phá. Từ đó, để giúp các nhà khoa học có môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, thông suốt, một số viện nghiên cứu, trường học đã nhanh chóng xây dựng cơ chế hỗ trợ thiết thực.
Theo Tiến sĩ Hoàng Anh Việt, Phó Trưởng phòng Công nghệ năng lượng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc, đơn vị dự kiến chia thành hai khối: Khối nghiên cứu và khối hỗ trợ. Trong đó, khối nghiên cứu bao gồm toàn bộ nghiên cứu viên tại các phòng nghiên cứu chuyên môn; khối hỗ trợ sẽ là các phòng quản trị hành chính, kế hoạch điều phối (quản lý khoa học) và kinh doanh chuyển giao công nghệ.
Khi thực hiện đề tài, dự án, phòng kế hoạch điều phối hỗ trợ từ bước xây dựng thuyết minh, dự toán, tra soát thông tin… đến khi phê duyệt thực hiện; phòng hành chính làm thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng, mua sắm nguyên vật liệu, thanh quyết toán…
Khi đề tài hoàn thiện, trên cơ sở kết quả đạt được, phòng kinh doanh chuyển giao sẽ tiếp tục làm việc với doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Với mô hình này, nhà khoa học được ưu tiên thời gian tối đa cho hoạt động chuyên môn và các bộ phận hỗ trợ sẽ hoàn thiện các thủ tục hành chính.
Đây là mô hình phổ biến tại các viện, trường trên thế giới, hỗ trợ rất tốt cho các nhà khoa học giúp giảm gánh nặng giấy tờ, có thêm năng lượng cho công tác chuyên môn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thanh Tùng, Trường đại học Phenikaa (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cần ứng dụng công nghệ trong quy trình xét duyệt đề tài, cho phép các nhà khoa học nộp hồ sơ trực tiếp qua hệ thống phần mềm quản lý, giảm các bước xác nhận từ nhiều đơn vị riêng lẻ trong giai đoạn xét duyệt ban đầu. Bên cạnh đó, việc áp dụng chữ ký điện tử và phản biện trực tuyến cũng giúp đẩy nhanh quá trình.
Thủ tục hành chính đang là trở ngại cho các nhà khoa học, nhất là những chuyên gia từng học tập, làm việc ở nước ngoài trở về Việt Nam cống hiến.
Hiện nay, với đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tại Phenikaa, các thủ tục như đăng ký, báo cáo định kỳ và thay đổi chủ nhiệm đề tài đều được thực hiện trên hệ thống quản lý số, giúp tiết kiệm thời gian và đơn giản hóa quy trình hành chính.
Mới đây, dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đang được xây dựng theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong nghiên cứu khoa học nhưng vẫn đạt hiệu quả tốt. Theo kế hoạch, dự thảo luật sẽ sớm được trình Quốc hội xem xét và thông qua trong năm 2025.
Trong khi chờ luật cùng các nghị định, thông tư được ban hành, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thanh Tùng, Nhà nước có thể xây dựng ngay quy trình xét duyệt và nghiệm thu đề tài theo hướng số hóa hoàn toàn. Cần ban hành một quy trình riêng để xét duyệt, nghiệm thu đề tài với toàn bộ các hoạt động được thực hiện thông qua nền tảng số.
Việc này giúp tăng tính minh bạch, giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà, rút ngắn thời gian xử lý, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học tiếp cận và triển khai nghiên cứu.
Bên cạnh đó, cần xây dựng Cổng thông tin quốc gia đóng vai trò là nền tảng lưu trữ và liên kết tất cả dữ liệu về các đề tài trên toàn quốc. Hệ thống này sẽ được tích hợp vào Trung tâm dữ liệu quốc gia để bảo đảm quản lý tập trung, bảo mật thông tin và hỗ trợ khai thác dữ liệu một cách hiệu quả.
Cơ quan quản lý cũng cần lập một hệ thống quản lý chung cho toàn bộ đề tài khoa học công nghệ từ cấp cơ sở đến quốc gia. Tất cả đề tài ở các cấp khác nhau (cấp tỉnh, cấp bộ, cấp Nhà nước...) sẽ được quản lý trên một nền tảng chung nhằm đồng bộ thông tin, kết quả nghiên cứu.
Hệ thống này giúp các đề tài nghiên cứu có kết quả tốt ở cấp cơ sở có thể tiếp tục được phát triển và tài trợ ở cấp cao hơn, tránh tình trạng bị gián đoạn hoặc trùng lặp.
Ngoài ra, việc sử dụng hệ thống chung cũng giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho các nhà khoa học, tránh việc soạn thảo và đề xuất nhiều lần cho cùng một nội dung nghiên cứu.