Đồn Phủ Thông: Nơi lịch sử gọi tên những người anh hùng
2025-07-25 22:02:00.0
Đoàn thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích đồn Phủ Thông
Không gian nơi đây như lắng đọng lại, im ắng đến lạ. Dưới tán cây cổ thủ rợp bóng, Khu di tích hiện ra với những bức tường rêu phong, nhà bia tưởng niệm trầm mặc minh chứng của một thời máu lửa. Đoàn công tác dừng lại trang nghiêm trước khu dâng hương. Trong khoảnh khắc cả Đoàn cúi đầu mặc niệm, tôi bỗng thấy lòng mình nghẹn lại. Dường như dưới lớp đất đá này vẫn còn âm vang một thời oanh liệt.
Đồn Phủ Thông nằm trên một mỏm núi nhỏ của dãy Nà Cọt, cao gần 200 m, chỉ cách ngã ba Phủ Thông chừng 300 m. Hơn 7 thập kỷ trước, nơi đây từng là “cái gai” chiến lược của thực dân Pháp, án ngữ tuyến giao thông huyết mạch từ Bắc Kạn đi Cao Bằng.
Di tích lịch sử quốc gia đồn Phủ Thông
Lịch sử ghi lại: Tháng 10/1947, sau khi nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn, quân Pháp liền tiến đánh chiếm đồn Phủ Thông, nhanh chóng biến nơi đây thành một căn cứ kiên cố, với hàng trăm lính lê dương thuộc Trung đoàn 03, nhiều hầm hào, lô cốt bê tông cốt thép, vũ khí hiện đại. Từ vị trí này, chúng tổ chức các cuộc càn quét đẫm máu vào các làng bản xung quanh, bóp nghẹt phong trào cách mạng, gieo rắc bao nỗi đau cho đồng bào vùng cao.
Trước sự uy hiếp nghiêm trọng đó, Trung ương Đảng, Bộ Chỉ huy quân sự đã quyết định mở trận đánh tiêu diệt cứ điểm đồn Phủ Thông, một trong những trận đánh lớn cấp tiểu đoàn đầu tiên của quân đội ta. Ngày 25/7/1948, vào lúc 18 giờ, trận công đồn bắt đầu bằng những loạt pháo kích dữ dội từ pháo binh và súng cối. Những đoạn tường bị phá vỡ, khói lửa bao trùm, tiếng súng nổ rền vang như sấm động núi rừng.
Ngay sau đó, bộ binh ta đồng loạt xung phong, vượt tường, giành giật từng ngách đồn, từng lô cốt. Quân địch ngoan cố phản công quyết liệt từ các hầm hào kiên cố. Trận chiến trở nên khốc liệt, cả ta và địch đều chịu tổn thất nặng. Tuy không thể chiếm trọn đồn do lực lượng hao hụt, nhưng ta đã tiêu diệt hơn 100 tên địch, làm bị thương hàng chục tên, trong đó có cả tên đồn trưởng và đồn phó; phá hủy nhiều công sự, thu giữ hàng chục khẩu súng và thiết bị quân sự. Chiến thắng này đã làm rung chuyển hệ thống đồn bốt của địch, góp phần quan trọng buộc quân Pháp rút khỏi thị xã Bắc Kạn sau đó không lâu.
Trận công đồn Phủ Thông trở thành dấu mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ những đơn vị nhỏ lẻ, trang bị thô sơ, ta đã có thể tổ chức được trận đánh hiệp đồng quy mô tiểu đoàn, thể hiện khả năng tổ chức, chỉ huy và chiến đấu ở tầm cao mới.
Với những đóng góp to lớn cho lịch sử dân tộc, ngày 23/7/1998, đồn Phủ Thông được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Một năm sau, Nhân dân và lực lượng vũ trang thị trấn Phủ Thông (nay thuộc xã Phủ Thông) vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Dấu tích tường đồn Phủ Thông
Ngày nay, Khu di tích đồn Phủ Thông đã được đầu tư xây dựng với diện tích hơn 5.000 m², có khu dâng hương, nhà bia ghi danh liệt sĩ, khu trưng bày hiện vật, dấu tích tường đồn. Đây không chỉ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, mà còn là nơi để mỗi người con đất Việt thắp lên niềm tự hào, khơi dậy lòng biết ơn với những người đi trước.
Tinh thần chiến thắng Phủ Thông vẫn luôn là điểm tựa vững chắc để Đảng bộ và Nhân dân xã Phủ Thông vươn lên trong công cuộc đổi mới. Trong 77 năm qua, từ một vùng chiến sự khốc liệt, nay Phủ Thông đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ vững quốc phòng, an ninh. Hệ thống chính trị được củng cố, đời sống Nhân dân từng bước nâng cao. Trong công cuộc đổi mới, tinh thần chiến thắng Phủ Thông luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc để cán bộ, đảng viên và Nhân dân Phủ Thông vượt qua khó khăn, đoàn kết xây dựng quê hương giàu mạnh.
Khu trưng bày di tích đồn Phủ Thông
Kết thúc buổi dâng hương, tôi dành ít phút đi bộ quanh khu đồn. Mặt trời đã lên, những tia nắng xuyên qua tán cây, chiếu lên từng phiến đá xám bạc thời gian. Tôi hiểu, không chỉ là một chuyến đi, mà đây là cuộc trở về. Trở về với ký ức của dân tộc. Trở về để biết ơn và để hứa với những người nằm lại nơi này, rằng chúng ta sẽ sống xứng đáng, sẽ gìn giữ và phát huy những gì họ đã trao lại.
Trong không khí trong trẻo của buổi sớm tháng Bảy, đồn Phủ Thông vẫn lặng lẽ đứng đó như một nhân chứng sống động của lòng yêu nước và ý chí quật cường. Trận đánh oanh liệt cách đây 77 năm đã ghi dấu sâu đậm trong lịch sử dân tộc, trở thành ngọn lửa thiêng truyền lửa cho các thế hệ hôm nay tiếp tục vững bước dựng xây quê hương.
thainguyen.gov.vn