An toàn và văn minh khi du lịch
2025-01-06 15:57:00.0
Khu vực cấm tắm biển đã được lực lượng chức năng cắm biển báo, lực lượng chức năng yêu cầu người dân, du khách tuân thủ quy định và không được tắm tại khu vực này. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Vì không tuân thủ tiêu chí này, không ít vụ việc đáng tiếc đã xảy ra. Theo thông tin từ Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng), từ tháng 7 đến tháng 10/2024, nơi đây liên tiếp ghi nhận các sự cố du khách đi lạc ở núi Langbiang, khiến lực lượng chức năng phải vất vả vào cuộc tìm kiếm, giải cứu. Có trường hợp du khách gặp nạn đã rơi vào tình trạng tinh thần hoảng loạn, ướt sũng, đói và rét.
Hầu hết khách đi lạc đều do chỉ tìm hiểu thông tin khám phá núi thông qua các diễn đàn trên mạng xã hội. Bản thân du khách không nắm rõ về địa hình, sự thay đổi của thời tiết, khí hậu theo diễn biến thời gian… mà đã mạo hiểm tự leo núi nên dễ mất phương hướng, mặc dù cơ quan chức năng đã cắm các biển báo, bảng cấm tại những lối mòn dẫn vào rừng.
Cũng trong tháng 10/2024, thiệt hại nghiêm trọng đã xảy ra khi nhóm 6 du khách ở đảo Phú Quý tự lấy thuyền SUP chèo ra biển, bị sóng lớn đẩy ra xa, lực lượng cứu hộ cùng các ngư dân được huy động tìm kiếm nhưng cuối cùng chỉ có 5 người sống sót. Sự việc tiếp tục là lời cảnh tỉnh dành cho du khách khi quyết định tự tham gia các hoạt động du lịch có yếu tố mạo hiểm, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên.
Cùng với vấn đề về bảo đảm an toàn du lịch, trong năm 2024, yếu tố ý thức khi tham gia du lịch cũng là chủ đề làm nóng cộng đồng mạng, nhất là sau khi xảy ra những hiện tượng phản cảm, như việc một nam ca sĩ nổi tiếng tạo dáng chụp ảnh trên mái nhà cổ ở Hội An (Quảng Nam), hay việc một nữ du khách Việt mặc đồ bó sát tạo dáng yoga để chụp ảnh trước cung điện Gyeongbokgung (Hàn Quốc)...
Rõ ràng, đối với cả hành trình du lịch trong nước và quốc tế, việc không nghiên cứu, tìm hiểu những quy tắc về an ninh, an toàn, những điều nên/không nên làm tại điểm đến sẽ rất dễ khiến du khách rơi vào những tình huống bị động, khó xử lý, nhiều khi phải trả giá bằng những tổn thất lớn về người và của, thậm chí nhận về cả những chỉ trích từ dư luận.
Để có chuyến du lịch an toàn, thú vị cùng những trải nghiệm trọn vẹn, mỗi người cần trở thành những du khách văn minh, tự trọng và trách nhiệm. Du lịch không đơn giản chỉ là “xách ba-lô lên và đi”, du lịch còn đòi hỏi phải tôn trọng những nội quy, sự khác biệt về văn hóa giữa các cộng đồng. Vì thế, trước khi tới những điểm đến mới, du khách cần trang bị những kiến thức về điểm đến, chuẩn bị sẵn cho những tình huống bất ngờ, có phương án phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra trên cơ sở đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, không ít du khách khi đi du lịch tự túc thường bỏ qua việc mua bảo hiểm du lịch, trong khi đây chính là công cụ hữu hiệu giúp hỗ trợ du khách bảo vệ, xử lý, khắc phục những rủi ro, bảo đảm việc giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Do đó, khi đi du lịch tự túc, du khách cần chú ý vấn đề mua bảo hiểm du lịch cho bản thân và người đi cùng.
Để nâng cao ý thức của du khách, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, các chuyên gia cho rằng các điểm đến cũng cần ban hành các bộ quy tắc ứng xử riêng với những khuyến cáo chi tiết về việc du khách nên/không nên, được/không được làm gì cũng như những điều cần lưu ý; tư vấn cho du khách những thời điểm du lịch an toàn; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm môi trường du lịch an toàn, văn minh, lành mạnh…
nhandan.vn