Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT

 

Cải cách chính sách đất đai: gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực

2025-07-24 09:08:00.0

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi nguồn lực đất đai phải được quản lý và khai thác hiệu quả, minh bạch, công bằng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hệ thống chính sách pháp luật về đất đai vẫn còn những hạn chế tồn tại dai dẳng, cản trở tiến trình phát triển.

Chính vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật đất đai - như tinh thần được nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 12 vừa qua, không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là nền tảng để khơi thông nguồn lực, tạo đột phá cho nền kinh tế.

Những bất cập hiện hành một lần nữa được làm rõ tại hội nghị mới đây của Chính phủ đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về đất đai và 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024. Cơ chế thu hồi, giao đất, bồi thường vẫn còn chồng chéo, thiếu nhất quán. Quản lý đất đai tại nhiều địa phương còn lỏng lẻo, dẫn tới thất thoát, sử dụng kém hiệu quả. Một số quy định pháp luật chưa bắt kịp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, trong khi thị trường bất động sản lại chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thiếu minh bạch, chưa kiểm soát được tình trạng đầu cơ, thao túng giá.

Quan trọng hơn, quá trình sửa đổi chính sách đất đai thời gian qua chưa thực sự nhất quán về định hướng. Việc điều chỉnh rải rác, manh mún, thiếu cơ chế kiểm soát đồng bộ dẫn tới hệ quả là quyền lợi hợp pháp của người dân không được bảo đảm, môi trường đầu tư còn tiềm ẩn rủi ro pháp lý, và Nhà nước cũng chưa thu được giá trị tương xứng từ tài nguyên quý giá này.

Trước yêu cầu thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện chính sách đất đai là việc hoàn toàn đúng đắn và kịp thời. Để tránh “sửa" luật mà không "đổi" được thực tế”, cần có một cách tiếp cận khác, căn cơ hơn trên các trục đổi mới lớn được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 12.

Đó là bảo đảm cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền sở hữu, sử dụng đất và bảo vệ hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Đây chính là điều kiện tiên quyết để giảm thiểu khiếu kiện, tranh chấp đất đai, và tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch, ổn định.

Cùng với đó, đẩy nhanh xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, liên thông giữa các cấp, làm nền tảng cho quản lý hiện đại và chính sách tài chính đất đai minh bạch. Số hóa không chỉ phục vụ quản lý hiệu quả mà còn giúp chống thất thoát, lãng phí và ngăn chặn cơ chế “xin - cho” trong tiếp cận đất đai.

Đồng thời, quy hoạch và sử dụng đất cần gắn với mục tiêu phát triển dài hạn. Đất đai phải trở thành đòn bẩy cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, đô thị, hạ tầng và nông nghiệp công nghệ cao. Bố trí quỹ đất phù hợp sẽ là yếu tố quyết định trong cạnh tranh thu hút đầu tư, nhất là trong bối cảnh dư địa tăng trưởng theo chiều rộng đang dần cạn kiệt.

Dĩ nhiên, cải cách đất đai không phải là con đường bằng phẳng. Việc xác lập lại trật tự phân bổ lợi ích sẽ đụng chạm đến những lợi ích cũ kỹ, cát cứ, và cả thói quen quản lý hành chính kiểu cũ. Nếu không có quyết tâm chính trị đủ mạnh, không có cơ chế giám sát hiệu quả và không đặt lợi ích quốc gia, lợi ích Nhân dân làm trung tâm, mọi nỗ lực cải cách sẽ dễ bị rơi vào vòng luẩn quẩn.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định rõ tại Hội nghị Trung ương 12: “đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước”. Vì vậy, phải đổi mới tư duy trong quản lý, sử dụng đất đai, khắc phục triệt để tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời, phải tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực, nâng cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong từng khâu của chuỗi giá trị đất đai.

Với tinh thần đó, việc sửa đổi chính sách đất đai trong thời gian tới cần được đặt trong tổng thể định hướng cải cách thể chế quốc gia, gắn với yêu cầu chuyển từ quản lý sang phục vụ phát triển - như Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đã xác định. Có như vậy, đất đai mới thực sự trở thành nguồn lực chiến lược của đất nước, phục vụ phát triển bền vững và công bằng.


daibieunhandan.vn

VIDEO

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 13026

TRANG THÔNG TIN CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH THÁI NGUYÊN

Trưởng ban biên tập: Đ/c Nguyễn Tá – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 728, đường Lương Ngọc Quyến, tổ 1, phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 02083.857.965 - Email: ccttbvtv@thainguyen.gov.vn