Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT

 

Cảnh báo: Nguy cơ sức khỏe từ đồ ăn vặt 'nội địa Trung Quốc'

2025-05-15 07:40:00.0

Đồ ăn vặt "nội địa Trung Quốc" đang được quảng cáo và bày bán tràn lan trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và tại các cửa hàng bánh kẹo, tạp hóa với mẫu mã bắt mắt, giá rẻ. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài hấp dẫn đó là những rủi ro nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.

Các loại đồ ăn vặt như chân gà, chân vịt chua cay, xúc xích, mì cay, cá cay, thịt bò khô, thịt trâu khô, các loại kem, bánh ngọt, sữa chua… đều được quảng cáo rầm rộ là “hàng nội địa Trung Quốc”. Dù không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không ghi rõ đơn vị nhập khẩu, không có hướng dẫn sử dụng theo quy định và cũng không chứng minh được xuất xứ, nhiều người bán vẫn tự tin nhập về và phân phối rộng rãi.

Khách hàng, nhất là người trẻ tuổi, bị hấp dẫn bởi sự tiện lợi, giá rẻ và vẻ ngoài sặc sỡ của sản phẩm, mà ít ai để tâm đến yếu tố an toàn. Giá của các sản phẩm này rất rẻ, chỉ từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng cho một món ăn, nên càng dễ dàng len lỏi vào thói quen tiêu dùng hàng ngày, đặc biệt là tại cổng trường học, khu chợ dân sinh hay các nền tảng mua sắm online.

Không chỉ giới trẻ, nhiều người lớn cũng bị cuốn theo trào lưu tiêu dùng này. Khi thấy các sản phẩm như kem, sữa chua uống, bánh snack được gắn nhãn “hàng nội địa Trung Quốc” và có mức giá rẻ hơn hàng sản xuất trong nước, nhiều người tiêu dùng dễ tính cũng mua dùng thử hoặc cho con em mình sử dụng mà không hề kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm.

Một trong những điểm đáng lo ngại là sự tràn lan của các cửa hàng chuyên kinh doanh hàng Trung Quốc không rõ nguồn gốc. Ghi nhận tại một siêu thị có tên “Trung Hoa” nằm tại số 5 phố Tú Mỡ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, hàng nghìn sản phẩm có bao bì in hoàn toàn bằng chữ Trung Quốc được bày bán công khai.

Từ thực phẩm như mì gói, nước ngọt, bánh kẹo, xúc xích, chân gà, mực, bạch tuộc ăn liền… cho đến các loại thuốc dạ dày, thuốc cảm cúm, viên uống hỗ trợ sức khỏe đều không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định pháp luật. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về nhãn hàng hóa nhập khẩu, đồng thời khiến người tiêu dùng không thể biết rõ thành phần, cách sử dụng, hạn sử dụng hay cảnh báo dị ứng nếu có.

Trước thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng – Đại học Y Hà Nội cho rằng quan niệm “người Trung Quốc ăn được thì mình cũng ăn được” là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và nguy hiểm. Theo ông, mỗi quốc gia có hệ thống tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm riêng biệt. Những chất phụ gia, phẩm màu hay chất bảo quản được cho phép tại Trung Quốc có thể bị cấm sử dụng tại Việt Nam.


Đồ ăn vặt "nội địa Trung Quốc" không an toàn như quảng cáo. (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu chính ngạch thường phải qua nhiều khâu kiểm định chất lượng nghiêm ngặt. Trong khi đó, các mặt hàng được đưa vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch hoặc nhập lậu hoàn toàn không trải qua quy trình kiểm tra, kiểm nghiệm, dẫn đến nguy cơ nhiễm vi sinh vật, tồn dư chất cấm, hoặc không đảm bảo các điều kiện bảo quản về nhiệt độ, thời gian.

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng cảnh báo việc tiêu thụ các loại đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Nguy cơ trước mắt là ngộ độc cấp tính với các triệu chứng như dị ứng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Nguy cơ lâu dài bao gồm ngộ độc mãn tính do tích lũy kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen, hoặc do sử dụng các chất bảo quản vượt quá ngưỡng cho phép.

Đặc biệt, đối với trẻ em, việc sử dụng thường xuyên các loại thực phẩm độc hại này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh và tiêu hóa chưa hoàn thiện, làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn hành vi như tăng động, giảm chú ý và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ.

Ngoài ra, các sản phẩm ăn vặt kiểu này thường rất nghèo dinh dưỡng, thiếu hụt vitamin và khoáng chất cần thiết. Trong khi đó, hàm lượng đường, muối và chất béo chuyển hóa lại ở mức cao, góp phần làm tăng nguy cơ béo phì, cao huyết áp, tiểu đường và các rối loạn chuyển hóa nếu sử dụng lâu dài. Việc tiêu thụ các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc này còn tạo ra tâm lý chủ quan trong lựa chọn thực phẩm, dần hình thành thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, đặc biệt trong nhóm học sinh – sinh viên.

Trước những nguy cơ trên, PGS.TS Nguyễn Quang Dũng khuyến nghị cần đẩy mạnh các chương trình giáo dục dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong nhà trường, giúp học sinh có khả năng nhận biết thực phẩm kém chất lượng và nhận thức được tác hại của việc tiêu dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các điểm bán thực phẩm trôi nổi, đặc biệt là khu vực gần trường học.

Phụ huynh cũng cần vào cuộc, đóng vai trò chủ động trong việc giáo dục con em thói quen ăn uống lành mạnh, lựa chọn thực phẩm an toàn, cung cấp các bữa ăn đủ chất tại nhà để hạn chế nhu cầu mua đồ ăn vặt bên ngoài. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cơ quan quản lý là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe thế hệ trẻ trước làn sóng thực phẩm nhập lậu, không kiểm soát đang lan tràn trên thị trường.


VietQ.vn

VIDEO

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 11831

TRANG THÔNG TIN CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH THÁI NGUYÊN

Trưởng ban biên tập: Đ/c Nguyễn Tá – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 728, đường Lương Ngọc Quyến, tổ 1, phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 02083.857.965 - Email: ccttbvtv@thainguyen.gov.vn