Cô giáo trẻ khởi nghiệp từ nghề cói, doanh thu 30 tỷ đồng/năm
2025-04-06 10:57:00.0
Sáng tạo từ nghề thủ công
Sinh ra và lớn lên ở làng nghề trồng cói có tuổi đời hàng trăm năm (xã Quang Thiện, H.Kim Sơn, Ninh Bình), chị Trần Thùy Nhi luôn thích thú với những sản phẩm được bà con trong vùng làm từ cây cói. Vì thế, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư và làm giáo viên dạy nhạc, chị vẫn ấp ủ ước mơ khởi nghiệp từ cây cói.
Chị Trần Thùy Nhi với các sản phẩm làm từ cói - ẢNH: NVCC
Năm 2015, sau khi lập gia đình, chị cùng chồng khởi nghiệp trên quê hương với việc thành lập công ty chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cây cói. "Xuất phát từ mong muốn gìn giữ phát huy, bảo tồn làng nghề truyền thống, muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, chúng tôi luôn trăn trở, nghĩ đến việc tạo nên những sản phẩm cói truyền thống", chị Nhi chia sẻ.
Nhận thấy công việc này nếu cứ đi theo lối mòn sẽ giống như những cơ sở sản xuất khác, rất khó cạnh tranh; vì thế năm 2018, công ty của chị quyết định chuyển hướng sản xuất kinh doanh, tập trung vào việc nghiên cứu, sáng tạo, cho ra đời những sản phẩm mới mang tính độc quyền. "Trên nền tảng được tạo dựng từ nghề truyền thống quê hương, chúng tôi xác định phải sản xuất các mặt hàng độc, lạ, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tận dụng nguồn lao động và nguyên liệu có sẵn của địa phương phát triển các sản phẩm lên một tầm cao mới; đào tạo tay nghề, hướng dẫn bà con làm theo hướng đi mới kỹ hơn, tỉ mỉ và sáng tạo hơn", chị Nhi kể.
Không còn là những túi cói thô hay những sản phẩm truyền thống, chị đã nghiên cứu thiết kế ra những mặt hàng tinh xảo có nguyên liệu từ cói, phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Đó là các sản phẩm thời trang, trang trí nội thất như: túi cói, túi lục bình, mũ, giỏ xách, khung gương, khung ảnh, bàn, ghế lục bình… Cùng với các nghệ nhân của làng nghề, chị đã đưa một phần máy móc vào kết hợp khéo léo với làm thủ công, để tạo ra sản phẩm từ nguyên liệu tự nhiên.
Chia sẻ về hành trình sáng tạo này, chị Nhi cho biết, bản thân là người trẻ, làm trong lĩnh vực nghệ thuật, nên chị luôn sáng tạo, đem lại cho khách hàng những sản phẩm tỉ mỉ, nghệ thuật, tinh xảo hơn và mẫu mã không ngừng bắt kịp xu hướng. Những sản phẩm này đã giúp công ty gặt hái được những thành công nhất định, khẳng định được trên thị trường trong nước và quốc tế. Giai đoạn từ 2020 đến nay, Công ty Vina Handicrafts của chị phát triển với mức tăng trưởng trên 50% mỗi năm, mẫu mã đa dạng, không ngừng bắt kịp xu hướng trong nước và quốc tế. Tổng doanh thu mỗi năm đạt khoảng 30 tỷ đồng; nộp ngân sách 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận trung bình mỗi năm đạt gần 300 triệu đồng.
Chị Trần Thùy Nhi (giữa) hướng dẫn người dân địa phương làm các sản phẩm từ cói - ẢNH: NVCC
Công ty đã tạo công ăn việc làm cho 85 lao động cố định tại xưởng và tất cả đều là người địa phương, với mức thu nhập từ 8 - 20 triệu đồng/tháng. Đồng thời, công ty còn tạo thêm thu nhập cho hàng nghìn hộ dân, không chỉ trong huyện mà còn tại các huyện lân cận và các tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa...
Đưa cói Việt ra thế giới
Không chỉ tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, giúp cải thiện đời sống và kinh tế gia đình, các sản phẩm của công ty đều là nguyên liệu tự nhiên giúp bảo vệ môi trường, tránh các chất thải gây hại. Đặc biệt, việc sáng tạo mẫu mã đa dạng, phối trộn nhiều loại nguyên liệu theo cách riêng, ứng dụng công nghệ cao, theo nhu cầu của thị trường đã giúp sản phẩm từ làng cói quê hương đến với nhiều nước trên thế giới. "Việc thu hoạch và chế biến nguyên liệu cũng không đòi hỏi nhiều chi phí, giúp giảm giá thành sản phẩm, nên sản phẩm được đánh giá cao về giá trị thẩm mỹ vì độ tinh xảo, tính đa dạng của hàng hóa. Sản phẩm của chúng tôi đã có thị trường tiêu thụ ổn định ở ngoài nước", chị Nhi tự hào cho biết.
Công ty của chị Nhi đã tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn, giúp họ cải thiện đời sống - ẢNH: NVCC
Xác định hướng đi của công ty là tạo ra các sản phẩm độc đáo, nên việc sáng tạo các mẫu mã mới là yếu tố sống còn, quyết định rất nhiều đến việc tồn tại và phát triển của công ty; do đó chị thường xuyên cập nhật những xu hướng thời trang mới của thế giới, cũng như các phong cách trang trí nội thất mới để kịp thời cho ra đời những sản phẩm phù hợp. Công ty Vina Handicrafts đã chinh phục và trở thành bạn hàng tại các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ả Rập...
Chia sẻ về hành trình đưa cói Việt ra thế giới, chị Nhi cho biết, công ty đã phát triển hàng chục nghìn mẫu sản phẩm để chào và giới thiệu đến bạn hàng quốc tế biết đến các sản phẩm làng nghề truyền thống của Kim Sơn. Hiện công ty luôn duy trì sản xuất từ 30.000 - 40.000 sản phẩm/tháng, chủ yếu phục vụ thị trường ngoài nước.
Các sản phẩm của công ty được xuất khẩu đến nhiều nước - ẢNH: NVCC
Không chỉ giỏi giang trong kinh doanh, cô giáo trẻ còn luôn nỗ lực là giáo viên dạy giỏi của Trường tiểu học Hùng Tiến (xã Quang Thiện, H.Kim Sơn, Ninh Bình), đồng thời là Tổng phụ trách Đội xuất sắc. Với những thành công đó, chị Nhi đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, trong đó có bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình năm 2023 về việc đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác"; giấy khen là giáo viên đoạt giải ba trong hội thi giáo viên làm tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh giỏi tỉnh Ninh Bình năm 2022… Cuối năm 2024, chị được T.Ư Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của, dành cho thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong nông nghiệp.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình với các bạn trẻ, chị Nhi nói: "Hãy kiên trì, không ngừng học hỏi và tin vào khả năng của chính mình. Mỗi bước tiến mà chúng ta đạt được ngày hôm nay dù nhỏ cũng đều góp phần xây dựng nền tảng, tạo dựng nên những thành công trong tương lai. Hãy vững tin và đem sức trẻ cống hiến hết mình cho chính quê hương của chúng ta thêm giàu mạnh".
thanhnien.vn