Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT

 

Dự báo sinh vật gây hại trên cây trồng vụ Xuân năm 2024

2024-01-11 15:28:00.0

Vụ Xuân năm 2024 dự báo thời tiết diễn biến phức tạp, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng, tuy nhiên cũng là điệu kiện thuận lợi cho sinh vật gây hại trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến năng suất chất lượng cây trồng. Cần chủ động điều tra, dự tính dự báo, kiểm soát các đối tượng sinh vật hại không để lây lan trên diện rộng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia, vụ Xuân năm 2024, rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn; số ngày rét, thời gian ngắn hơn; nền nhiệt từ tháng 12/2023 - 2/2024 phổ biến cao hơn khoảng 0,5 - 1,50C so với trung bình nhiều năm. Nhìn chung thời tiết tương đối thuận lợi cho công tác gieo cấy đầu vụ đảm bảo đúng tiến độ, cây trồng sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, thời tiết trong vụ diễn biến phức tạp, thuận lợi cho sinh vật phát triển và gây thiệt hại đến năng suất và cây trồng nếu không được phòng trừ kịp thời. Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên dự báo cao điểm một số đối tượng sinh vật hại trên cây trồng chính có thể gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng như sau:

1. Cây lúa

* Sâu cuốn lá nhỏ: Tập trung 2 cao điểm

- Cao điểm 1 xuất hiện từ giữa đến cuối tháng 4, sâu non hại diện rộng từ cuối tháng 4 sang đầu tháng 5, hại trên các trà lúa, có thể gây hại nặng cục bộ trên một số diện tích lúa xanh tốt giai đoạn làm đòng - trỗ bông, Mật độ sâu dự báo cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.

- Cao điểm 2: sâu non hại từ cuối tháng 5, đầu tháng 6, trên trà lúa Xuân muộn trỗ cuối tháng 5, đầu tháng 6, gây hại trên diện hẹp nhưng tỷ lệ hại cao tại các huyện phía Bắc như Võ Nhai, Định Hoá.

* Rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ

- Rầy cám lứa 2 rộ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, gây hại chủ yếu trên lúa Xuân chính vụ giai đoạn ôm đòng - ngậm sữa, lúa Xuân muộn giai đoạn đòng, diện phân bố rộng, có khả năng cháy cục bộ vào đầu tháng 5 đặc biệt trên những giống nhiễm.

- Rầy cám lứa 3 rộ từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 gây hại lúa Xuân muộn giai đoạn ngậm sữa - đỏ đuôi, phạm vi gây hại rộng, khả năng cháy nhiều ổ từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6. Nếu không được phòng trừ kịp thời khả năng gây thiệt hại lớn năng suất lúa.

* Sâu đục thân

- Sâu đục thân 2 chấm: Hại cao điểm từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, sâu non gây bông bạc trên lúa Xuân trỗ muộn. 

- Sâu đục thân cú mèo, 5 vạch: Sâu non xuất hiện và gây hại giai đoạn lúa xuân đẻ nhánh rộ từ đầu tháng 3, hại tập trung tại các huyện phía Nam, gây hại cao điểm trong tháng 4.

* Bệnh lùn sọc đen: Bệnh có thể xuất hiện rải rác ngay từ đầu vụ, thể hiện rõ khi cây lúa đẻ nhánh, cao điểm gây hại từ tháng 3, đặc biệt trên những chân ruộng đã bị bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ Mùa 2023, ngô vụ Đông 2023.

* Bệnh đạo ôn

- Bệnh trên lá: Bệnh phát sinh gây hại từ đầu vụ, gây hại nặng vào giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ đến đứng cái, trên những ruộng lúa xanh tốt bón thừa phân đạm (cao điểm gây hại từ giữa tháng 3, đầu tháng 4), có thể gây hại nặng trên các giống như: J02, BC15, nếp, Bắc thơm số 7... 

- Bệnh trên cổ bông: Gây hại từ cuối tháng 4, đến giữa tháng 5 trên các giống nhiễm như: BC15, nếp, J02 ...

* Bệnh khô vằn

Xuất hiện vào đầu tháng 3, phát triển mạnh trên diện rộng từ tháng 4 (giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng đến khi trỗ - chín).

* Chuột

Cao điểm gây hại vụ Xuân từ đầu tháng 4, hại diện rộng từ giữa tháng 4 trên các trà lúa, có thể bị hại nặng nhất là những ruộng lúa gần vườn, gò cao, bờ bao có cỏ rậm rạp hoặc những ruộng xuống giống sớm hoặc trễ trong khu vực.

Ngoài những đối tượng gây hại chủ yếu trên cần chú ý các đối tượng: Bọ trĩ, ốc bươu vàng, ruồi đục nõn gây hại ở đầu vụ, bọ xít dài, nhện gié, bệnh lem lép hạt hại ở cuối vụ.

2. Cây ngô

Sâu hại chính: Sâu xám, sâu cắn lá, rệp, sâu đục thân, sâu đục bắp, sâu cắn lá, chuột... Bệnh hại chính: Bệnh đốm lá, bệnh khô vằn....

- Sâu xám: Hại giai đoạn cây nhỏ, diện phân bố rộng.   

- Sâu ăn lá: Sâu xuất hiện và gây hại mạnh từ khi ngô được 5 lá đến xoáy nõn.

- Sâu đục thân, bắp: Gây hại cục bộ giai đoạn ngô xoáy nõn đến chín sữa.

- Rệp: Xuất hiện gây hại từ khi ngô có 7 - 8 lá, gây hại mạnh vào giai đoạn trỗ cờ, diện phân bố rộng.

- Bệnh đốm lá nhỏ: Bệnh xuất hiện sớm và gây hại mạnh ở vùng trồng ngô trên đất xấu, đất trũng và chăm sóc kém, bị hạn. Diện phân bố rộng (tập trung ở các huyện phía bắc).

- Bệnh khô vằn: Bệnh thường phát sinh vào giai đoạn ngô được 6-7 lá và hại mạnh vào giai đoạn trỗ cờ phun râu - thu hoạch.

- Bệnh lùn sọc đen: Bệnh xuất hiện phát sinh gây hại từ đầu vụ, đặc biệt chú ý trên những chân ruộng đã bị bệnh lùn sọc đen trong ngô Đông năm 2023.

Ngoài các đối tượng gây hại trên cần chú ý một số đối tượng chuột, bệnh thối thân, bệnh đốm lá nhỏ, đốm lá lớn, bệnh gỉ sắt... gây hại.

3. Cây chè

- Bệnh phồng lá chè: Bệnh phát sinh gây hại sớm, hại nặng trên chè Xuân giai đoạn nảy búp từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4.

- Rầy xanh: Hại mạnh trong tháng 4, 5, 6.

- Bọ cánh tơ: Mật độ và tỷ lệ hại tăng nhanh về tháng 5, 6, 7, 8.

- Bọ xít muỗi: Khả năng gây cháy cục bộ trên những nương chè rậm rạp, có nhiều cây che bóng, hại mạnh trong tháng 3, 4.

4. Cây nhãn, vải

- Bệnh sương mai, thán thư: Bệnh phát sinh gây hại tăng tháng 1,2,3 giai đoạn nụ-hoa-quả non.

- Bọ xít nâu: Gây hại tăng trong các tháng 2,3,4,5 giai đoạn quả non, phát triển quả.

Ngoài ra chú ý các đối tượng sâu đục cuống quả, nhện lông nhung...gây hại.

5. Cây Na

- Bọ phấn, bọ trĩ, nhện, rệp sáp: Xuất hiện gây hại từ cuối tháng 4, gây hại tăng trong các tháng 5,6,7 giai đoạn cây na phát triển lộc-hoa-quả.

- Bênh thán thư: Gây hại tháng 5,6,7 giai đoạn cây na lộc- hoa-quả.

- Sâu đục quả: Xuất hiện gây hại từ cuối tháng 7, gây hại tăng trong tháng 8,9.

Ngoài ra cần chú bệnh vàng lá thối rễ, mối hại gốc...gây hại.

6. Cây rau

- Sâu xanh bướm trắng, sâu tơ, bọ nhảy: Gây hại tăng trong tháng 1,2.

- Bệnh sương mai/ cà chua, khoai tây: Hại tăng trong tháng 1,2.

- Bệnh phấn trắng, sương mai hại bầu bí, dưa chuột: hại tập trung trong tháng 2,3.

Ngoài ra chú ý bệnh thối nhũn trên rau họ hoa thập tự; bệnh héo xanh, héo vàng, sâu đục quả trên nhóm họ cà, đậu đỗ; thán thư, bọ trĩ trên cây ớt...

7. Trên các cây trồng (Cam, Bưởi, thanh long,)

Thành phần dịch hại chính , thời gian phát sinh và mức độ gây hại tương tự vụ Xuân 2023. Chú ý bệnh vàng lá greening, vàng lá thối rễ sâu đục quả, bọ trĩ, rầy chổng cánh trên họ cây có múi.

Tin bài: Phòng Trồng trọt và BVTV - Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Nguyên



VIDEO

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 6640

TRANG THÔNG TIN CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH THÁI NGUYÊN

Trưởng ban biên tập: Đ/c Nguyễn Tá – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 728, đường Lương Ngọc Quyến, tổ 1, phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 02083.857.965 - Email: ccttbvtv@thainguyen.gov.vn