Du lịch lịch sử - văn hóa- danh lam thắng cảnh huyện Phú Lương
2023-12-31 20:06:00.0
Hiện nay, phía tây của huyện với các điểm di tích quan trọng nằm liền kề với ATK Định Hoá đó là: Di tích nơi tổ chức Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, tại xóm Khuân Lân xã Hợp Thành. Địa điểm nơi thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện tại xã Ôn Lương; địa điểm kỷ niệm Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động XHCN tại xóm Đồng Cháy xã Phủ Lý; địa điểm thành lập Đại đoàn quân tiên phong, đơn vị chủ lực đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam tại thị thấn Đu.
Phú Lương còn được biết đến bởi một địa phương giàu bản sắc văn hoá dân tộc với những nét đặc sắc lễ hội cầu mùa, hát Sấng Cọ của dân tộc Sán Chay (đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia), bản sắc văn hoá của người Dao Lô gang, Lễ hội bánh dày của người tày. Du lịch Phú Lương với các bản sắc phong phú mang đậm nét dân tộc như: Du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hoá Sán Chay ở Đồng Tâm Tức Tranh, Làng Pháng Phú Đô, Đồng Xiền- Cây Thị Yên Lạc; du lịch văn hoá Tày ở Làng Hạ Yên Đổ, du lịch Làng nghề chè Tân Thái xã Tức Tranh, làng nghề mây tre đan xã Ôn Lương, du lịch sinh thái tại trại giam Phú Sơn 4, Ao Loong xã Yên Đổ, Hồ Đồng Xiền xã Yên Lạc, Hồ Nà Mạt xã Ôn Lương.
1.1 Đền Đuổm- Lễ hội Đền Đuổm
Đền Đuổm- Di tích lịch sử và danh thắng Quốc gia
Đền Đuổm tọa lạc dưới chân núi Đuổm, thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên; một hệ núi đá vôi hùng vĩ với sáu mỏm đá cao ngất tạo hình hàm long ngóc đầu chầu lên đầy uy linh, nằm kề sát đường quốc lộ 3, cách thành phố Thái Nguyên 22 Km về phía bắc. Đền Đuổm nơi thờ danh tướng Dương Tự Minh- Thủ lĩnh Phủ Phú Lương dưới thời ba đời Vua triều Lý ( thế kỷ XII). Dương Tự Minh là người dân tộc Tày, sinh ra ở Quan triều thuộc Phủ Phú Lương xưa, bao gồm một vùng rộng lớn từ thượng Cao Bằng đến hạ Lục đầu giang. Ông có công lớn trong xây dựng và bảo vệ vững chắc biên giới đất đai của nước Đại Việt. Với tài đức của mình, năm “1127”, ông được vua Lý Nhân Tông gả công chúa Diên Bình; năm “1144” ông lại được vua Lý Anh Tông gả công chúa Thiều Dung và phong ông làm Phò mã Đô uý. Hơn 30 năm làm quan dưới các triều vua Lý ông chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử, ông không chỉ là một vị tướng tài trung quân ái quốc mà còn là một con người khẳng khái dám đấu tranh chống lại sự sách nhiễu của quan lại triều đình. Cuối đời, ông đã cùng hai công chúa Diên Bình và Thiều Dung về sống ở Điểm Sơn , sau khi ông mất, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ông và lưu danh mãi muôn đời bằng câu đối trước cửa đền:
Quan triều hiệu thánh thiên thu tại
Động Đạt giáng thần vạn cổ hinh
Có nghĩa là: Đất Quan Triều hiển thánh từ ngàn năm đến nay vẫn còn
Xã Động Đạt giảng thần muôn đời hương khói thơm ngát
Đền Đuổm vẫn trường tồn cùng lịch sử, được các thế hệ nhân dân Phú Lương bảo tồn và gìn giữ. Đến nay quần thể di tích lịch sử đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia, trở thành một điểm du lịch hấp dẫn được du khách thập phương biết đến.
Có dịp, mời bạn đến thăm thắng cảnh Đền Đuổm, bạn sẽ được đắm mình trong không gian trầm mặc của ngôi đền, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ người anh hùng dân tộc và hai nàng công chúa. Bạn sẽ được du ngoạn trong phong cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều truyền thuyết về địa danh và người anh hùng thủ lĩnh phủ Phú Lương xưa như:
Giếng Dội
Cách đền chính khoảng 500 mét về phía đông nam có một giếng nước trong vắt, người dân địa phương thường quen gọi là Giếng Dội, tương truyền rằng đó là hồn nàng công chúa Thiều Dung hoá nên, nước giếng tạo thành dòng suối mát miệt mài chảy quanh núi Đuổm cùng năm tháng. Truyền thuyết về Giếng Dội là một hình ảnh đẹp về tình yêu và lòng chung thuỷ của công chúa Thiều Dung với phò mã Đô úy Dương Tự Minh. Giếng Dội là địa điểm thực hành nghi lễ Rước đất, rước nước trong lễ hội Đền Đuổm, là nghi lễ quan trọng của đồng bào Tày ở Phú Lương để cầu xin Mẹ đất, Mẹ nước phù hộ cho đất đai luôn màu mỡ, cho nguồn nước không bao giờ cạn, giúp người dân trong vùng có đủ đất, đủ nước để sản xuất làm ăn, để cho cuộc sống quanh năm no đủ. Nghi lễ này nhằm tưởng nhớ đến Dương Tự Minh, người mồ côi cha từ nhỏ, phải kiếm sống bằng nghề câu cá để nuôi mẹ già nên nước có ý nghĩa rất quan trọng; đồng thời tái hiện việc công chúa Thiều Dung và công chúa Diên Bình không chỉ giúp ông an dân trị quốc, mà còn đảm đang hướng dẫn người dân làng Đuổm xưa biết làm lúa nước để có cuộc sống ấm no.
Dốc hạ mã
Cách 1500 mét về phía nam Đền Đuổm là một con dốc cao, đỉnh dốc có một bãi bằng đươc gọi là bãi quanh voi ( buộc voi). Tương truyền xưa Đức thánh Đuổm ngự ở nơi này, uy danh của người ai ai cũng cảm phục. Để bày tỏ tình cảm của mình trước anh linh của vị thủ lĩnh tài ba đức độ, khắp phủ Phú Lương từ đời này qua đời khác, khi qua đây tất thảy đều xuống ngựa. Vì thế tên con dốc được gọi là Hạ Mã.
Ao Chuông lăn
Đứng trên bãi quanh voi, nhìn về hướng đông, dưới những tán cây xanh thắm, du khách sẽ nhìn thấy những dấu tích còn lại của truyền thuyết về Ao Chuông lăn. Tương truyền rằng, cổ xưa xuân thu nhị kỳ, các quan triều cưỡi voi ra Đền Đuổm lễ thờ đức thánh Dương Tự Minh. Một lần đi qua chính diện ngai Giếng dội, một chiếc chuông đồng treo ở cổ con voi của quan đại thần ngồi, tự nhiên bị đứt dây chui vào lòng đất, mọi người nghe rõ tiếng chuông lăn vọng lên, quan đại thần liền sai quân binh đào bới tìm chuông. Lính của triều đình cứ đào theo tiếng chuông lăn thành một ao nhỏ kéo dài đến bờ giếng dội thì tiếng chuông mất hẳn. Người ta đồn rằng bà chúa Giếng dội đã trêu quan đại thần và giữ lại chuông đồng. Người đời sau vẫn gọi cái ao nhỏ phía trên giếng dội là ao chuông lăn.
Hang Sữa
Nằm trong quần thể núi Đuổm có một hang đá khá rộng, kín đáo, từ đây có thể bao quát được toàn bộ khung cảnh làng Đuổm. Người dân địa phương gọi là Hang Sữa. Dương Tự Minh được vua Lý Nhân Tông phong Phò mã và giao cho ông làm thủ lĩnh phủ Phú Lương, cai quản cả một vùng rộng lớn gồm thượng Cao Bằng hạ Lục đầu giang. Với con mắt của nhà quân sự tài ba, Dương Tự Minh đã nhận ra rằng hang sữa là một địa điểm lợi thế cho việc quân cơ “ Thuận đường tiến- tiện đường lui” và ông đã lựa chọn hang sữa làm nơi bàn việc quốc kế dân sinh. Từ đây nhiều chủ trương lớn của ông tham mưu cho triều đình đã toả sáng, làm cho phủ Phú Lương trở thành một vùng cực kỳ phồn thịnh trong hơn 30 năm dưới thời ông cai quản. Hang sữa đã được muôn dân trăm họ ví như bầu sữa mẹ- nơi khởi nguồn của sức sống làng Đuổm
Hang Gió
Là hang đá tự nhiên nối từ đỉnh núi Đuổm thông xuống dòng sông ngầm tụ nước thiêng cho Giếng Dội . Hang Gió kết nối nơi giao hòa âm dương, tạo linh khí cho núi Đuổm, mùa Hè hơi mát, mùa Đông hơi nóng bốc lên nghi ngút, tạo cân bằng cho con người khi chiêm ngưỡng đỉnh núi. Phía bên cạnh Hang Gió có bàn cờ tiên, tương truyền xưa kia các vị thần chơi cờ ở đây.
Đền Mẫu Thượng ngàn
Thờ Mẫu thần (Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt). Đền Mẫu được tôn tạo trên nền đất thiêng, nơi giao hòa âm dương trời đất, nơi tụ linh của hai trinh nữ đã hóa thân vào núi Đuổm. Đền Mẫu tọa lạc trên các mỏm đá bằng phẳng cao nhất của núi Đuổm, không chỉ kết tinh sự linh thiêng của thần linh, mà còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng lý tưởng cho các đoàn tín và du khách
Đại bàng về đậu núi Đuổm
Như một sự tình cờ, khi di tích Đền Đuổm được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia và được trùng tu lần thứ hai lại có con đại bàng lớn về đậu lại trên mỏm núi cao nhất tại khu đền chính và năm ấy nông dân được mùa. Người ta truyền tụng nhau rằng anh linh của Dương Tự Minh đã độ trì cho muôn dân bách tính ấm no hạnh phúc, ngôi đền càng trở nên linh thiêng, đã trở thành nơi tụ hội của trăm miền về tín ngưỡng phồn thực và văn hoá biết ơn.
Linh vật của Đền Đuổm là Đại Bàng, vừa gắn với sự kiện Đại Bàng về đậu núi Đuổm, vừa biểu trưng cho sức mạnh và khát vọng vươn lên của nhân dân các dân tộc Phú Lương và con dân Đất Việt
Lễ Hội Đền Đuổm
Lễ hội Đền Đuổm là một lễ hội truyền thống lớn nhất tỉnh Thái Nguyên nhân dịp đầu xuân, mở hội chính thức vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch hằng năm. Lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội được kéo dài từ ngày 30 tháng chạp (tết âm lịch) đến hết tháng giêng âm lịch. Hội Đuổm xưa nổi tiếng là đông vui vì hội gắn với di tích lịch sử thờ người anh hùng dân tộc Dương Tự Minh. Lệ Đền vào ngày mồng 6 tháng giêng cả làng Đuổm dậy sớm để mang cỗ lễ rước vào đền. Lễ hội Đền Đuổm có hai phần Lễ và Hội; trong đó phần Lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống gồm: Nghi thức rước đất, rước nước, nghi thức dựng cây Nêu của người Tày, Lễ Mộc Dục, Lễ gia quan, Rước lễ vật vào đền, Đại Tế và khai mạc lễ hội; Phần hội du khách được tham gia các hoạt động: Thi trưng bày trang trí mâm cỗ sản vật của địa phương cúng tiến vào Đền Đuổm, thi trình diễn sao chè, thi trình diễn giã bánh dày , thi trình diễn trang phục dân tộc, Thi văn nghệ. Đến với lễ hội Đền Đuổm quý khách còn được trải nghiệm các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, tung còn, bịt mắt đập niêu, bắn nỏ và thưởng thức các sản vật đặc sản đặc trưng nhất của địa phương như: các loại bánh trưng, bánh dày, bánh gio, bánh lẳng, bánh sừng bò, bánh lá ngải, xôi ngũ sắc, rượu nếp cái hoa vàng, chè mật ong, hàng thổ cẩm, mây tre đan.
Ngoài ra, lễ hội Đền Đuổm còn có nhiều hoạt động văn hóa nhằm quảng bá tiềm năng du lịch Phú Lương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng và du xuân chảy hội của du khách. Do thuận tiện về giao thông và nằm trên tuyến du lịch nối Thành phố Thái Nguyên với An toàn khu Định Hoá nên lễ hội Đuổm mỗi năm thu hút hàng chục vạn du khách thập phương về dự hội và hàng triệu lượt du khách đến thăm viếng Đền Đuổm.
1.2 Đền Trình và sự tích Tiên giáng trần
Cách đền Đuổm 10 km về phía nam (cách thành phố Thái nguyên 14 km trên tuyến Quốc lộ 3 theo hướng Thái Nguyên- Bắc Kạn) địa phận phố Giang Tiên thị trấn Giang Tiên. Nằm ẩn mình bên dòng Sông Tiên thơ mộng là ngôi Đền Trình vừa cổ kính, linh thiêng, với cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Ngôi đền chẳng biết được xây dựng từ khi nào, nhưng theo các tư liệu về Dương Tự Minh, có thể nó hình thành trong khoảng thế kỷ 12 và gắn với Sự tích Tiên giáng trần.
Người ta kể rằng Sông Tiên xưa sâu và rộng hơn bây giờ, nằm án ngữ con đường độc đạo lên vùng biên ải phía bắc nước Đại Việt, khách bộ hành qua đây gặp nước lớn thường bị nước lũ cuốn chết rất nhiều, nên dân trong vùng gọi dòng sông này là Giang Ma, nghĩa là sông ma quỷ. Một buổi sáng đẹp trời, người ta thấy một ông già dáng hình cân đối, mắt sáng râu bạc phủ kín ngực, mũ mão cân đai cung kiếm chỉnh tề cưỡi ngựa trắng lội xuống dòng Giang Ma. Có người nói đó là Phò mã Dương Tự Minh thủ lĩnh phủ Phú Lương dưới ba triều vua nhà Lý: Lý Nhân Tông (1072 – 1128), Lý Thần Tông ( 1128 – 1138) và Lý Anh Tông (1138 – 1175). Dương Tự Minh hai lần được phong làm phò mã, được nhà Lý phong sắc “Uy viễn đôn tỉnh cao sơn quảng độ tri thần”; “Cao Sơn Quý Minh”. Sau khi làm tròn bổn phận với dân với nước, người đã bay xuống sông tắm rửa rồi lặng lẽ cùng ngựa trắng bay về cõi Tiên trên trời. Kể từ đó dòng sông chảy hiền hòa hơn, hai bên sông bốn mùa lúa ngô xanh tốt, dòng sông Giang Ma không còn được nhắc tới nữa, mà được gọi bằng cái tên mới là Giang Tiên, nghĩa là sông Tiên, sông có Tiên xuống tắm. Người dân đã lập đền thờ tại bến Giang Tiên và đặt tên cho ngôi đền là Đền Trình, bởi mỗi lần quan binh đến ngôi Đền thờ chính của Dương Tự Minh đặt tại Điểm Sơn (Núi Đuổm), đều phải dừng chân tại Đền Trình sửa soạn mũ mão cân đai, tấu trình “Cao Sơn Quý Minh”, chính vì vậy ngôi đền càng tôn nghiêm, cung kính.
Di tích Đền Trình đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 2465/QĐ-UBND, ngày 13/10/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, được nhân dân nhiều đời bảo vệ, trùng tu, tôn tạo đến nay đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cho du khách thập phương khi chảy Hội Đền Đuổm mồng 6 tháng Giêng hàng năm.
1.3 Đền Khuân xã Động Đạt
Đền Khuân (hay còn gọi là Đền Kho) nằm ở chân núi thấp thuộc xóm Đồng Chằm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Di tích cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 25 km về phía bắc, cách Đền Đuổm 800m.
Đền Khuân được nhân dân địa phương xây dựng lên để thờ ông Cáo Hoàng Từ Hòa là người đã có công giúp Thủ lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh trong coi kho lương thực dự trữ. Đền Khuân có nguồn gốc từ thời nhà Lý, thế kỷ thứ XII cùng giai đoạn lịch sử có Phò mã Đô úy, Thủ lĩnh phủ Phú Lương Dương Tự Minh cai quản trong đó có vùng đất huyện Phú Lương. Đây là một trong những nơi được 2 người vợ của Dương Tự Minh là Công chúa Diên Bình và Thiều Dung dựng nhà làm kho dự trữ lương thực giao cho vị quan cai quản có tên là Cáo Hoàng Từ Hòa là người giúp việc cho tướng phò mã Dương Tự Minh trông coi quản lý.
Sau khi ông Cáo Hoàng Từ Hòa mất nhân dân địa phương đã lập miếu (đền Khuân sau này) thờ phụng cả 3 vị là Cáo Hoàng Từ Hòa, Công chúa Diên Bình, Thiều Dung. Từ đó truyền đời này đến đời khác đều duy trì thờ cúng theo lệ, được nhân dân nhiều đời bảo vệ, trùng tu, tôn tạo đến nay đã khang trang, trở thành địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cho du khách thập phương. Lễ hội chính của Đền Khuân được tổ chức và ngày 25 tháng Giêng hàng năm, tương truyền của mỗi du khách khi đến thăm viếng Đền Khuân (Đền Kho) đều được ban điều may mắn trong làm ăn và hanh thông trong cuộc sống .
Di tích Đền Khuân đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2015, rất mong du khách thập phương đến thăm viếng đền và hảo tâm công đức tôn tạo di tích, để di tích trường tồn cùng thời gian
1.4 Đền mẹ, Đền cha xã Yên Đổ
Cách Đền Đuổm 5 km về phía bắc tọa lạc ở xóm Gốc Vải xã Yên (Cây số 28 quốc lộ 3 Thái Nguyên đi Cao Bằng) có 2 ngôi đền nhỏ ẩn mình cạnh một hồ nước trong vắt. Người ta thường gọi là Đền Cha, Đền mẹ của thủ lĩnh phủ Phú Lương Dương Tự Minh. Người đời xưa kể rằng, Dương Tự Minh không chỉ là một thủ lĩnh tài ba, trung quân ái quốc, mà còn là một người con rất có hiếu với mẹ cha. Mặc dù rất yêu mến cha mẹ, nhưng vì công việc của muôn dân bách tính, nên ít khi ông được gần cha mẹ. Cảm phục sự hiếu thảo của ông, người dân Yên Đổ đã xây dựng đền mẹ, đền cha bên nguồn nước trong trẻo, nguồn nước này đã đem hình cha mẹ ông về tích tụ phía trước cổng Đền Đuổm thành hồ nước thanh khiết, để Dương Tự Minh lúc nào cũng được ngắm nhìn cha mẹ. Ngày nay du khách vãng cảnh đền Đuổm không quên ghé thăm đền mẹ, đền cha tại xã Yên Đổ huyện Phú Lương, như để thấu hiểu hơn tình thâm, nghĩa trọng của các bậc tiền nhân.
1.5. Di tích Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (1952)
Nằm trên đường Tỉnh lộ 248 (Đu- Ôn Lương- Phú Lạc Đại Từ), cách trung tâm huyện Phú Lương 14 km về hướng Tây. Di tích lịch sử cấp quốc gia Địa điểm Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (1952) thuộc xóm Khuân Lân xã Hợp Thành huyện Phú Lương. Nơi đây năm 1952 vinh dự được Đảng, Chính Phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi tổ chức Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất. Đến thăm di tích, du khách được sống lại những ngày tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, thăm lại những dấu tích của Hội trường 8 mái và hệ thống hầm hào thoát hiểm cho các đồng chí lãnh đạo về dự Đại hội. Được sống trong khung cảnh đầm ấm của đồng bào các dân tộc vùng An toàn khu Việt Bắc.
1.6 Nơi sản xuất khẩu súng Bazoka đầu tiên của Quân đội
Cách thành phố Thái Nguyên 15 km về phía Bắc là thị trấn Giang Tiên của huyện Phú Lương. Giang Tiên không chỉ nổi tiếng vì có Đền Trình và sự tích tiên giáng trần mà còn có một di tích lịch sử nổi tiếng được xếp hạng di tích cấp quốc gia đó là: Xưởng quân giới nơi sản xuất khẩu súng Bazoka đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1947 trí thức yêu nước Trần Đại Nghĩa đã theo lời Bác Hồ từ Pháp trở về Việt Nam, để lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Ông đã được Bác Hồ giao nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo vũ khí bổ sung cho quân đội. Nhà máy điện do Pháp xây dựng năm 1920 để phục vụ khai thác mỏ than Phấn Mễ, mỏ than Làng Cẩm đặt tại Giang Tiên. Cuối năm 1945, đầu năm 1946 Xưởng quân giới được thành lập và đã trở thành xưởng nghiên cứu chế tạo vũ khí của giáo sư Trần Đại Nghĩa. Chính tại nơi đây khẩu súng Bazoka đầu tiên đã được chế tạo thành công, là loại vũ khí làm cho quân đội Pháp lúc đó phải kinh hoàng. Súng Bazoka ra đời đánh dấu bước trưởng thành của ngành chế tạo vũ khí non trẻ ở nước ta. Đến thăm nơi đây, du khách sẽ tận mắt chứng kiến những dấu tích còn lại của xưởng chế tạo súng Bazoka và có quyền tự hào về truyền thống lịch sử của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
1.7. Di tích nơi thành lập Đại đoàn quân tiên phong
Cách Đền Đuổm 500m về phía nam gần Trung tâm huyện, khu tích nơi thành lập Đại đoàn quân tiên phong ( Sư đoàn 308), tọa trên đỉnh quả đồi thuộc Tiểu khu Dương Tự Minh, thị trấn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Nơi đây ngày 28/8/1949, đã diễn ra lễ thành lập Đại đoàn quân tiên phong (Sư đoàn 308 ngày nay). Đại đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam được mang danh hiệu Quân Tiên phong. Biên chế gồm: có 3 trung đoàn bộ binh 88, 102, 36. Tiểu đoàn bộ binh 11 (tiểu đoàn Phủ Thông), tiểu đoàn pháo binh 410 và một số đơn vị binh chủng trực thuộc. Dự lễ có đồng chí Trần Đăng Ninh, Uỷ viên Trung ương Đảng, đại diện Đảng, Chính phủ và Tổng bộ Việt Minh; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam cùng nhiều đại biểu các cơ quan Dân – Chính – Đảng Liên khu Việt Bắc và 2 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn. Sau lễ chào cờ, đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Nhật lệnh nêu rõ: “Đại đoàn có nhiệm vụ cùng các binh đoàn chủ lực khác đi tiên phong trên con đường tiêu diệt sinh lực địch, trên con đường chính quy hoá Đại tướng trao lá cờ “Chiến thắng” cho Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ. Đại đoàn quân Tiên Phong ra đời đánh dấu sự trưởng thành của đại đoàn chủ lực đầu tiên, con chim đầu đàn, binh đoàn cơ động chiến lược đầu tiên của quân đội ta. Khu di tích được cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 và Cựu chiến binh Sư đoàn 308 các tỉnh, thành phố xây dựng năm 1995, trên diện tích 1112,6m2 gồm: 1 nhà bia trong khuôn viên rộng 100m2, 01 đường nhỏ từ chân đồi lên nhà bia trên đỉnh đồi dài khoảng 200m. Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 4100/QĐ-BVHTTDL, ngày 12/12/2014. Đây là địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng và là điểm đến thăm quan, du lịch gắn với các điểm di tích của Khu di tích lịch sử cách mạng đặc biệt - Vùng an toàn khu Việt Bắc.
Đến Phú Lương, du khách còn được du lịch về nguồn với các địa danh, từng là nơi đóng quân của nhiều đơn vị Trung ương đóng quân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược như: Cục hậu cần đóng tại xóm Hạ xã Yên Đổ; Cục bản đồ đóng tại Na Rau xã Phủ Lý; Nhà in báo cứu quốc đóng tại Hiệp Hoà xã Phủ Lý; Thành lập viện quân y 108 tại xóm Làng Nông xã Yên Trạch; Cục quân y, Cục vận tải, Cục dân quân đóng ở xã Ôn Lương…Mỗi địa danh, mỗi tên đất, tên làng đều gắn bó tình quân dân chung thuỷ trong những ngày tháng gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Để từ nơi đây chiến khu Việt bắc, những đội quân cách mạng tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội, đem lại độc lập tự do cho cả dân tộc Viêt Nam.
1.8. Nhà bia tưởng niệm Bác Hồ
Cách trung tâm huyện Phú Lương 5 km về phía Tây, du khách sẽ được thăm nhà bia tưởng niệm Bác Hồ được đặt tại xóm Đồng Cháy xã Phủ Lý. Nơi đây ngày 31/12/1962 chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và căn dặn Thày trò trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa huyện Phú Lương dạy tốt học tốt để đóng góp nhân tài cho đất nước. Nhà bia là một công trình kiến trúc đẹp thể hiện niềm kính yêu với vị lãnh tụ thiên tài, còn là nơi giáo dục truyền thống cho lớp lớp thế hệ học sinh Phú Lương nói riêng, cả nước nói chung, vươn lên trong học tập xây dựng quê hương giàu đẹp.
1.9 Đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ
Phú Lương vinh dự được nhiều lần Bác Hồ về thăm, mảnh đất Phú Lương cũng đã sản sinh ra nhiều thế hệ anh hùng liệt sỹ đóng góp xương máu cho nền độc lập của dân tộc. Đền thờ chủ tich Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ Phú Lương được khởi công năm 2002, là một công trình kiến trúc độc đáo, ở một địa thế sơn thuỷ hữu tình, thể hiện tình cảm của nhân dân Phú Lương với Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ. Công trình là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc huyện Phú Lương về quy mô kiến trúc cũng như ý nghĩa giáo dục truyền thống.
1.10 Đình Kẻm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện về chính sách Thuế nông nghiệp
Trên đường vào An toàn khu Định Hoá, đến phố Trào xã Yên Đổ, du khách sẽ được vào thăm Đình làng Kẻm xã Yên Đổ huyện Phú Lương ( cách đường quốc lộ số 3 khoảng 3 km về hướng đông bắc). Nơi đây, tháng 11/1951 chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chính sách thuế nông nghiệp phục vụ cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Đến nơi đây du khách sẽ được nghe những câu chuyện cảm động của những nhân chứng lịch sử kể lại và được tận mắt ngắm nhìn Ao Noong. Giữa một vùng đồi núi bát ngát, một quần thể ao hồ với những mỏm đá muôn hình, kỳ thú, Ao Noong đã trở thàmh điểm du lịch hấp dẫn du khách thập phương
1.11. Di tích Lũng Lươn nơi Bác Hồ phát động làm đường
Cách thành phố Thái Nguyên 10 km về hướng bắc( Quốc lộ số 3 Thái nguyên- Bắc Kạn) Du khách sẽ đến ngã ba Bờ Đậu, một địa danh gắn với sản phẩm Bánh chưng nổi tiếng cả nước. Ngã ba Bờ Đậu là giao lộ của hai con đường huyết mạch, hướng tây lên Tuyên Quang-Hà Giang, hướng bắc đi Bắc Kạn- Cao Bằng, hai con đường như hai cánh tay ôm trọn Thủ Đô kháng chiến. Đến nơi đây du khách không chỉ được thưởng thức hương vị đậm đà của bánh chưng Bờ Đậu mà còn có cơ hội thăm một địa danh lịch sử được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Cách ngã ba chừng 400m, di tích Lũng Lươn được ghi dấu tích là nơi Bác Hồ đã đến nói chuyện và phát động phong trào làm đường nông thôn để phục vụ kháng chiến trường kỳ.
2. Du lịch trải nghiệm văn hóa hóa cộng đồng
2. 1 Thắng cảnh trại giam Phú Sơn 4 (Cục V26 Bộ công an)
Cách thành phố Thái Nguyên 8 km trên đường quốc lộ 3 Thái Nguyên- Bắc cạn, mời du khách ghé thăm khu trại cải tạo Phú Sơn một quần thể du lịch sinh thái đặc biệt, toạ lạc giữa vùng đồi núi của ba xã: Sơn Cẩm, Cổ Lũng và Vô Tranh của huyện Phú Lương. Đến nơi đây, du khách như lạc vào một bức tranh đẹp nổi bật bên cạnh dòng sông nhỏ (chi lưu của sông cầu) Theo những con đường bê tông len lỏi giữa những hàng cây xanh và muôn sắc hoa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những khu lao động và những sản phẩm độc đáo do những bàn tay khéo léo của các phạm nhân làm ra. Du khách sẽ được khoả mình dưới dòng nước mát trong khu công viên du lịch, thắp hương Đền Phi mã sơn nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Công trình Đền phi mã sơn là một quần thể kiến trúc giàu chất thẩm mỹ hoà quyện với phong cảnh thiên nhiên và không gian kiến trúc, tạo ấn tương đẹp cho du khách thập phương về tính nhân văn của trại giam Phú Sơn 4 (Cục V26 Bộ Công an).
2.2 Làng văn hóa du lịch cộng đồng xóm Đồng Tâm xã Tức Tranh
Giữa vùng chè xanh Tức Tranh nổi tiếng của huyện Phú Lương và của tỉnh Thái Nguyên. Theo con đường mòn uốn lượn quanh những nương chè, nương lúa, du khách sẽ đến bản Đồng Tâm xã Tức Tranh huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên. Đây là như là một điểm nhấn trong văn hoá đặc sắc của dân tộc Sán Chay Việt Nam. Đến đây du khách sẽ hoà mình trong đời sống giàu màu sắc truyền thống của bản làng. Từ những nếp nhà sàn, những rừng Chò chỉ, những phong tục tập quán trong sinh hoạt, sản xuất, lễ nghi, ứng xử đều tạo được dấu ấn tốt đẹp cho du khách thập phương. Đến thăm nơi đây vào dịp mồng hai tháng hai âm lịch (lịch trăng) hằng năm, du khách sẽ được chứng kiến Lễ hội Cầu mùa, một trong 10 lễ hội đặc sắc nhất của các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2005. Lễ hội Cầu mùa, Múa Tắc Xình và Hát Sấng Cọ của người Sán Chay Phú Lương đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Xóm Đồng Tâm đã được công nhận là làng văn hoá tiêu biểu cấp tỉnh, du lịch đến xóm Đồng Tâm, du khách sẽ được ngắm những bộ trang phục sặc sỡ sắc màu của thiếu nữ Sán Chay; được nghe những làn điệu Sấng Cọ (di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia), âm hưởg của kèn Pí lè, trống đất (náy cau); được xem vũ điệu Tắc xình (di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia) vừa vui tươi, khoẻ mạnh, vừa mang đậm tính huyền bí của điệu múa, du khách còn được ăn những món ăn dân tộc và các loại bánh đặc trưng của người Sán Chay, được thưởng thức hương vị của chè thơm Khe Cốc sao xuốt, hương vị đậm đà không kém bất cứ một loại chè nào trên thị trường.
2.3 Làng văn hóa Đồng Xiền xã Yên Lạc
Cách trung tâm huyện lỵ Phú Lương 8 km về phía đông, men theo con đường nhựa uốn lượn bên những nếp nhà sàn và những cánh rừng xanh thắm. Dưới chân Đèo Vai giáp xã Quảng Chu của huyện Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn là xóm Đồng Xiền xã Yên Lạc huyện Phú Lương. Giữa bốn bề núi đá và những khu rừng nguyên sinh là nơi quần tụ 47 nếp nhà sàn của người dân xóm Đồng Xiền. Đến đây du khách được nghỉ chân dưới bóng mát của cây đa cổ thụ hàng trăm tuổi, ngắm những áng mây vắt trên đỉnh núi, được bơi thuyền trên hồ Đồng Xiền và ngắm những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn sông cầu. Du khách được tận hưởng bầu không khí trong lành và cảnh sống êm đềm giàu màu sắc dân tộc của đồng bào nơi đây. Được thăm hệ thống các hang động thiên nhiên còn nguyên vẻ hoang sơ và kỳ thú. Đặc biệt là thung lũng tình yêu với muôn vàn loài hoa khoe sắc theo các mùa trong năm và ngắm một trong những cây cầy cạn nổi tiếng của các tỉnh đông bắc bộ trên con đường Quốc lộ 3 mới.
2.4 Tham quan trải nghiệm các Làng nghề chè và Lễ hội làng nghề
Đến với Phú Lương du khách được tham quan trải nghiệm trên những nương chè xanh mướt soi mình xuống dòng Sông Cầu thơ mộng, nơi hội tụ của với 37 làng nghề chè đã được công nhận, nhiều làng nghề chè nổi tiếng như Khe Cốc, Thác Dài, Tân Thái (Tức Tranh), Đồng Bòng, Yên Thủy (Yên Lạc), Phú Nam (Phú Đô), Tân Bình, Bình Long (Vô Tranh), các làng nghề mang nét đẹp văn hoá của làng quê việt nam, đang từng ngày phát triển, khai thác từ nguồn đất đai mầu mỡ nâng giá trị thương hiệu chè phú Lương. Đặc biệt làng nghề chè Trung Thành II xã Vô Tranh và Làng nghề chè Tân Thái xã Tức Tranh đã được vinh danh làng nghề tiêu biểu toàn quốc, các sản phẩm chè ở đây đã vươn ra thị trường cả nước và thị trường quốc tế.
Lễ hội vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương lần thứ nhất tổ chức năm 2017 và sau 2- 3 năm tổ chức lại một lần, đây là một hoạt động văn hóa quan trọng của các doanh nghiệp và đông đảo người trồng, chế biến chè huyện Phú Lương, là một hoạt động thiết thực, cùng với các địa phương khác trong tỉnh Thái Nguyên nhằm tôn vinh các làng nghề, làng nghề truyền thống tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, phát triển sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề, trong đó cần chú trọng khẳng định thương hiệu các sản phẩm làng nghề đặc biệt các thương hiệu về trà huyện Phú Lương cũng như tỉnh Thái Nguyên, qua đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh các làng nghề cũng như sản phẩm chè huyện Phú Lương đến với với du khách trong nước và quốc tế.
Hoàng hôn nương chè Phú Đô
2.5 Thăm bản tự quản phát triển và dự lễ hội bánh dày
Đến ngã ba cây số 31 đường quốc lộ số 3 Thái Nguyên đi Bắc Cạn, du khách rẽ theo đường vào vùng An toàn khu Định Hoá khoảng 4km về hướng tây, chúng ta sẽ đến xóm Hạ xã Yên Đổ, một Bản tự quản phát triển của huyện Phú Lương. Đến đây du khách được ngập mình trong khung cảnh yên bình mang đậm sắc thái của dân tộc tày Việt Bắc, không chỉ được nghe tiếng đàn tính tẩu và những điệu then bay bổng giữa ngút ngàn rừng xanh, mà còn được thăm nhà sàn văn hoá, tham dự các trò chơi dân gian, hoà mình trong đời sống tự quản vừa văn minh vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt du khách đến thăm làng vào dịp mồng 10 tháng 10 âm lịch( lịch trăng), du khách sẽ được chứng kiến không khí của một lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc tày, đó là lễ hội Bánh dày. Đây là lễ hội mừng cơm mới và cầu cho bản làng có những vụ sau bội thu, cũng là dịp để các nam thanh, nữ tú thể hiện tài năng và đón du khách thập phương về dự hội. Xóm Hạ đã được công nhận làng văn hoá tiêu biểu cấp tỉnh, hy vọng sẽ làm hài lòng du khách khi đến thăm nơi đây.
Có thể khẳng định, tiềm năng du lịch Phú Lương là rất lớn, nếu được khai thác và phát huy sẽ tạo cho Phú Lương cơ hội trong phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tỉnh Thái Nguyên đã có chủ trương gắn các tuyến du lịch của huyện Phú Lương như: Tuyến du lịch tâm linh, tuyến du lịch các điểm di tích kháng chiến ATK và tuyến du lịch sinh thái qua các miền văn hóa huyện Phú Lương để Phú Lương có điều kiện liên kết các tỉnh vùng núi phía bắc, kết nối các sản phẩm du lịch huyện Phú Lương vươn xa hơn đến du khách trong cả nước và du khách quốc tế.
thainguyen.gov.vn