Gần 330 đề án khuyến công địa phương được thực hiện
Sun May 04 12:31:00 GMT+07:00 2025
Từ nguồn vốn hỗ trợ của các đề án khuyến công địa phương, Công ty cổ phần Trà Việt Thái, xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên đã đầu tư máy đóng gói sản phẩm trà, giúp giảm chi phí và nhân công lao động
Đặc biệt, kể từ khi Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh được ban hành (giai đoạn 2021 - 2024), kinh phí khuyến công địa phương đã thực hiện 85 đề án; hỗ trợ trên 150 cơ sở công nghiệp nông thôn. Việc hỗ trợ tập trung vào 5 nhóm nội dung. Cụ thể: Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (trong giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh thực hiện 29 hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn về công tác khuyến công với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng); hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (từ năm 2021 đến năm 2024, toàn tỉnh đã thực hiện 70 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho 70 cơ sở công nghiệp nông thôn, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 11,2 tỷ đồng).
4 năm qua, tỉnh tổ chức 02 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Trong số các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm trà chiếm tỷ lệ lớn
Hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được đẩy mạnh, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 934 triệu đồng. Trong 4 năm qua, tỉnh tổ chức được 02 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, qua đó công nhận và cấp giấy chứng nhận cho 60 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; tổ chức tham gia 11 hội chợ và hàng chục gian hàng triển lãm giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh; đồng thời tuyên truyền, vận động, kết nối các doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ công nghiệp - thương mại trong nước từ nguồn khuyến công địa phương.
Ngoài ra, từ kinh phí khuyến công địa phương, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn về: Lập dự án đầu tư; thành lập doanh nghiệp; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ - thiết bị mới, lựa chọn dây chuyền công nghệ sản xuất phù hợp; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước về đầu tư, khoa học công nghệ, về khuyến khích phát triển công nghiệp.
Bên cạnh đó, hỗ trợ cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công với 16 đề án thông tin tuyên truyền bằng nguồn kinh phí khuyến công địa phương để hỗ trợ thực hiện 14 phóng sự truyền hình về Công Thương Thái Nguyên; 62 tin, bài về chính sách khuyến công. Tổng kinh phí thực hiện nội dung này trên 694 triệu đồng.
Nguồn vốn khuyến công địa phương đã giúp nhiều hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ mở rộng quy mô sản xuất. (Trong ảnh: Công ty TNHH Tân Cương Xanh, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên đã được hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất từ nguồn vốn khuyến công địa phương)
Nhìn chung, hoạt động khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tập trung có trọng tâm, trọng điểm cho các ngành nghề có thế mạnh của địa phương như chế biến nông, lâm sản, đồ mộc mỹ nghệ, cơ khí... theo đúng định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, đồng thời thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông thôn.
thainguyen.gov.vn