Khẩn trương kiểm soát dịch hại trên cây trồng ngay từ đầu vụ mùa
2024-07-05 16:00:00.0
Những ngày qua, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết mưa nắng xen kẽ, ẩm độ cao, xen kẽ có những đợt mưa rào to về đêm và sáng sớm, là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại cây trồng phát sinh, phát triển gây hại như xanh và bọ cánh tơ, bệnh thối búp gây hại diện rộng trên cây chè; Ốc bươu vàng gây hại trên trà lúa Mùa muộn, bọ phấn, bọ trĩ, nhện, bệnh thán thư gây hại tăng cao trên cây na. Dự báo tình hình dịch hại sẽ tăng trên diện rộng trong thời gian tới, cần khẩn trương kiềm soát dịch hại trên cây trồng ngay từ đầu vụ Mùa.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch hại trên cây trồng ngay từ đầu vụ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng trừ như sau:
1. Cây lúa
* Đối với Ốc bươu vàng hại trên trà lúa mùa muộn
- Làm đất kỹ bằng phẳng, tránh để những khu vực trũng nước trên ruộng.
- Bắt ốc và thu gom ổ trứng bằng tay vào sáng sớm hoặc chiều mát. Nên bắt ốc sớm và liên tục từ lúc lúa mới cấy hoặc gieo sạ cho đến 2 -3 tuần sau cấy, sau gieo sạ. Điều tiết chế độ nước bằng cách rút nước định kỳ, giữ mực nước thấp 2 - 3 cm nhằm hạn chế ốc di chuyển, phá hại.
- Cắm cọc tre ở những chỗ ngập nước, kênh mương để thu hút ốc bươu vàng lên đẻ trứng và dễ thu gom ốc.
- Tháo cạn nước trong ruộng , vét rãnh thoát nước xung quanh ruộng hoặc trong ruộng (Đánh rảnh thoát nước 25 x 5 cm cách nhau 10 - 15m) trên ruộng để ốc đến sống tập trung trong rãnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom bằng tay, đặt lưới, phên tre chặn mương nước dẫn vào ruộng để hạn chế ốc xâm nhập vào ruộng lúa, sử dụng một số loại thức ăn dẫn dụ ốc như: lá khoai, sơ mít, rau muống...thả ở rãnh nước để ốc tập trung đến ăn giúp thuận lợi trong viêc thu gom ốc thủ công bằng tay làm thức ăn cho cá, vịt hoặc tiêu huỷ.
Các loại thuốc trừ ốc thường có độc cao và ảnh hướng trực tiếp đến các động vật thủy sinh và nguồn nước sinh hoạt vì vậy cần ưu tiên sử dụng biện pháp thủ công để phòng trừ ốc, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
- Mật độ ốc bươu vàng cao, sử dụng thuốc trừ ốc có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam ban hành để phun trừ như Ossal 700WP; Dioto 250 EC; Hn -Samole 700WP; Pazol 700WP; Snail 250EC, 500SC, Caport 750WP, Robert 888WP, NP snailicide 250EC, 700WP... Ngoài ra cần theo dõi sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện gây hại lúa mùa giai đoạn đẻ nhánh.
Hình ảnh ruộng lúa bị ốc bươu vàng gây hại
2. Cây na
* Đối với bọ phấn, bọ trĩ, nhện hại na
Phải điều tra theo dõi phát hiện sớm khi cây na giai đoạn phát triển lộc -phát triển quả để tiến hành phòng trừ kịp thời, hạn chế gây thiệt hại đến năng suất chất lượng sản phẩm.
- Thuốc dùng trừ nhóm bọ phấn, bọ trĩ...trên nhóm cây ăn quả được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam ví dụ: Shertin 5.0EC; Biosun 3EW, Catex 3.6EC , Silsau 10WP...
- Sử dụng thuốc trừ nhện đỏ trên nhóm cây ăn quả được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam ví dụ như: Actimax 50WG ; Angun 5WG; Comda gold 5WG; Dylan 2EC ; Kuraba WP, 3.6EC ...
* Đối với bệnh thán thư
Vệ sinh vườn thông thoáng, khi xuất hiện bệnh nên tiến hành thu gom tàn dư bị nhiễm bệnh ( lá, quả) để hạn chế nguồn lây lan trên vườn. Khi vườn bị bệnh chú ý việc sử dụng phân bón đặc biệt phân bón ăn qua lá, chỉ phun khi vết bệnh trên cây đã khỏi.
- Sử dụng thuốc trừ bệnh thán thư được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên nhóm cây ăn quả ở Việt Nam ví dụ như: Amistar® 250 SC; Ortiva® 600SC; Agrilife 100 SL; Amtech 100EW...
Hình ảnh cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV điều tra sâu bệnh trên cây na tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai
3. Cây chè
* Đối với rầy xanh, bọ cánh tơ
Hướng dẫn quản lý bọ cánh tơ và rầy xanh hại chè bằng các biện pháp sau:
- Thực hiện các biện pháp chăm sóc, bón phân cân đối hợp lý, dọn sạch cỏ dại, kết hợp tưới nước, tủ gốc giữ ẩm cho chè.… đảm bảo cây chè sinh trưởng phát triển tốt.
- Áp dụng kỹ thuật “Hái chạy” nếu đến lứa hái.
- Thường xuyên kiểm tra diễn biến rầy xanh, bọ cánh tơ trên các nương chè, xác định thời điểm rầy, bọ cánh tơ nở đặc biệt chú ý giai đoạn chè nảy búp đến trước thu hái 7 ngày, nếu thấy tỷ lệ búp bị hại từ 10% (theo dõi 100 búp có 10 búp bị hại) trở lên thì sử dụng thuốc phun trừ bằng một trong các loại thuốc được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên cây chè ở Việt Nam ví dụ như: Trebon 10EC, Vinup 40 EC, Kuraba 3.6EC, Shertin 5.0EC, Tungatin 3.6 EC; Tridan 21.8WP...... Chú ý phun thuốc khi rầy, bọ cánh tơ còn non.
*Đối với bệnh thối búp
- Hái bỏ thu gom và đốt những búp mới bị bệnh, cắt tỉa cành của cây che bóng trong nương chè tạo độ thông thoáng, bón phân cân đối, tăng lượng phân Kali, khi nương chè bị bệnh không phun phấn bón lá, vãi phân đạm trên mặt tán chè..
- Sử dụng thuốc trừ bệnh thối búp hại chè có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để phun trừ ví dụ như Genol 1.2SL; Lilacter 0.3 SL; MAP Green 6SL; Biobus 1.00WP; Starone 20WP....
Ngoài ra cần chủ động điều tra, theo dõi mức độ phát sinh, gây hại của bệnh Bọ xít nâu gây hại trên nhãn vải, bọ xít muỗi gây hại trên cây ổi... chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời.
Chú ý: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo tuân thủ thời gian cách ly, nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng cần tưới ẩm cho chè trước khi phun thuốc, tránh ngộ độc thuốc.
Tin ảnh và bài: Nguyễn Thị Hằng, phòng Trồng trọt và BVTV.