Nâng cao nhận thức trong quản lý, sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”
2025-04-24 15:14:00.0
Hội nghị tập huấn có sự tham gia của gần 100 người đại diện cho các hộ sản xuất, kinh doanh chè tại xã Phúc Trìu và xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên)
Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký từ ngày 20/9/2007. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có hơn 1.300 ha chè nằm trong khu vực được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” với 45 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý này vẫn còn nhiều hạn chế: Cơ cấu tổ chức quản lý chưa hoàn thiện; hệ thống văn bản chưa mang tính quy phạm pháp luật rõ ràng; tình trạng vi phạm và sử dụng sai chỉ dẫn địa lý vẫn còn diễn ra, đặc biệt là trên không gian mạng; việc gắn chỉ dẫn địa lý với chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thị trường chưa đồng bộ.
Lãnh đạo Phòng Quản lý chuyên ngành (Sở Khoa học và Công nghệ) trao đổi với các học viên về trách nhiệm quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”
Tại Hội nghị tập huấn, các học viên đã được cung cấp các kiến thức tổng quan về sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý; phổ biến các tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm, các quy định về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”; hướng dẫn cách thức kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”; phổ biến các điều kiện và thủ tục đăng ký quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”. Cùng với đó, các học viên còn được tuyên truyền việc phát huy giá trị của chỉ dẫn địa lý "Tân Cương" gắn với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương"; việc tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng hình ảnh chỉ dẫn địa lý "Tân Cương" đã được bảo hộ tại Liên minh châu Âu (EU).
Đại diện Công ty TNHH Phát triển Doanh nghiệp NTD hướng dẫn cách thức sử dụng chỉ dẫn địa lý "Tân Cương" cho các học viên
Hội nghị là một trong những nội dung trọng tâm của Dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh: Áp dụng đồng bộ công cụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng kết hợp chuyển đổi số để phát huy giá trị của chỉ dẫn địa lý "Tân Cương" gắn với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương".
Phát triển bền vững chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” không chỉ là một nhiệm vụ quản lý, mà còn là sứ mệnh văn hóa, một lựa chọn phát triển - một cam kết thế hệ. Mỗi hộ sản xuất, mỗi hợp tác xã, mỗi doanh nghiệp không chỉ là một đơn vị kinh tế, mà còn đóng vai trò là người gìn giữ thương hiệu, kể câu chuyện chè và lan tỏa văn hóa trà đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Kết thúc phần lý thuyết, Ban Tổ chức đã tổ chức hoạt động khảo sát thực tế, tư vấn và hướng dẫn việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, cách thức kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” tại các chủ thể sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn xã Phúc Trìu và xã Quyết Thắng.
thainguyen.gov.vn