Nghị quyết 11-NQ/TU: Động lực cho ngành chè Thái Nguyên vươn tầm cao mới
2025-04-08 09:20:00.0
Mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2030, diện tích chè đạt khoảng 24.500 ha. (Ảnh: Vũ Kim Khoa)
Cây chè - tiềm năng cho phát triển kinh tế Thái Nguyên
Cây chè gắn bó từ lâu đời với người dân Thái Nguyên, không chỉ là cây trồng chủ lực trong nông nghiệp của tỉnh mà còn là biểu tượng văn hóa, là niềm tự hào của vùng đất này. Năm 2024, diện tích trồng chè toàn tỉnh đạt trên 22,2 nghìn ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 272,8 nghìn tấn. Chè Thái Nguyên đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng được thương hiệu tại các thị trường trong và ngoài nước. Cũng vì thế, giá trị từ cây chè mang lại năm sau cao hơn năm trước. Theo số liệu thống kê đến năm 2024, giá trị của cây chè mang lại cho Thái Nguyên đạt trên 13.000 tỷ đồng, tăng trên 1.000 tỷ đồng so với năm 2022.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào sự thật khách quan thì ngành chè Thái Nguyên vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức: Thiếu những cơ sở chế biến sâu, hoạt động chế biến còn manh mún, công nghệ chế biến còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa ổn định, việc kết nối chuỗi giá trị chưa thật sự hiệu quả. Do đó, việc triển khai Nghị quyết phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025 - 2030 là một tín hiệu quan trọng giúp ngành chè vượt qua khó khăn và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đây là một quyết sách có tính chiến lược, mang lại động lực mới cho ngành chè và cây chè Thái Nguyên, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và nâng tầm thương hiệu trà Thái Nguyên trên thị trường quốc tế.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng và ông Park Sungho, Tổng Giám đốc Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và Bắc Ninh tại đồi chè Cầu Đá, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ. (Ảnh: Mạnh Thắng)
Một chiến lược toàn diện
Với mục tiêu rõ ràng là nâng cao giá trị ngành chè Thái Nguyên, Nghị quyết đề ra một chiến lược toàn diện, từ tái cơ cấu giống chè, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ đến phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên thành sản phẩm quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết là đến năm 2030, 100% cơ sở sản xuất, chế biến chè sẽ ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất, bảo đảm chất lượng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Bên cạnh đó, việc chú trọng xây dựng và phát triển các sản phẩm trà cao cấp, đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao, sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm chè, mở rộng cơ hội tiêu thụ trong và ngoài nước. Chè Thái Nguyên không chỉ đơn thuần là một loại cây trồng, mà sẽ trở thành một ngành công nghiệp mang lại giá trị lớn, đóng góp mạnh mẽ vào phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên.
Các mục tiêu cụ thể: - Nâng cao chất lượng sản phẩm: Đến năm 2030, 70% diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên sẽ đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Các cơ sở chế biến chè sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến để chế biến các sản phẩm trà cao cấp, mang lại giá trị gia tăng cao. - Phát triển diện tích và sản lượng chè: Đến năm 2030, diện tích chè đạt khoảng 24.500 ha, sản lượng chè búp tươi lên tới 300.000 tấn. - Phát triển thị trường xuất khẩu: Mở rộng và phát triển các thị trường xuất khẩu chè, đặc biệt là các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ. - Phát triển du lịch chè: Tăng cường kết nối du lịch với sản xuất chè, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, trải nghiệm trà để nâng cao giá trị thương hiệu chè Thái Nguyên. |
Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên chú trọng xây dựng và phát triển các sản phẩm trà cao cấp, trong đó có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao. (Ảnh: Đỗ Tuấn)
Hướng tới giá trị kinh tế bền vững
Nghị quyết không chỉ chú trọng phát triển diện tích trồng chè mà còn tập trung vào nâng cao giá trị của từng sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ vào chế biến chè, đặc biệt là chế biến sâu, sẽ tạo ra các sản phẩm trà cao cấp có giá trị gia tăng cao. Điều này mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ trồng chè, hợp tác xã và tạo ra cơ hội việc làm, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Nghị quyết cũng xác định phát triển các vùng chè gắn với du lịch và văn hóa trà, sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp tăng giá trị sản phẩm chè. Các mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm trà sẽ kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu chè Thái Nguyên.
Phát triển các vùng chè gắn với du lịch và văn hóa trà, là một trong những giải pháp được đặt ra trong Nghị quyết. (Ảnh: Trần Nhung)
Niềm tin và kỳ vọng
Nghị quyết phát triển ngành chè Thái Nguyên là một bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm của tỉnh Thái Nguyên trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ngành chè. Được triển khai đồng bộ, quyết liệt, các mục tiêu và giải pháp của Nghị quyết đề ra sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho ngành chè, giúp nâng cao giá trị sản phẩm chè và mở ra cơ hội mới cho người dân Thái Nguyên. Với sự hỗ trợ của chính sách, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng, ngành chè Thái Nguyên sẽ không chỉ phát triển mạnh mẽ trong nước mà còn vươn ra thế giới. Cây chè, sản phẩm trà Thái Nguyên sẽ trở thành một thương hiệu uy tín, mang lại giá trị kinh tế bền vững và góp phần quan trọng vào sự thịnh vượng của tỉnh Thái Nguyên.
Các giải pháp trọng tâm - Ứng dụng khoa học công nghệ: Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các giống chè mới, có năng suất cao và chất lượng tốt hơn. Công nghệ chế biến cũng sẽ được đầu tư hiện đại hóa để nâng cao giá trị sản phẩm. - Xây dựng chuỗi giá trị ngành chè: Tăng cường liên kết giữa các nông hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến để tạo ra một chuỗi giá trị khép kín, từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp nâng cao hiệu quả và ổn định giá trị kinh tế. - Đào tạo nguồn nhân lực: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành chè, đặc biệt là các chuyên gia về nông nghiệp, chế biến chè và phát triển thương hiệu. - Phát triển hạ tầng: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất và chế biến chè, đặc biệt là các nhà máy chế biến chè và công trình thủy lợi, nhằm đảm bảo sản xuất chè ổn định và hiệu quả. |
thainguyen.gov.vn