Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT

 

Những mái ấm vững chãi từ nghĩa tình đồng bào Thái Nguyên

2025-04-18 11:09:00.0

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, với mục tiêu xây dựng và sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo trên cả nước đến hết năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, không chỉ là một nhiệm vụ an sinh xã hội mà còn thể hiện tính ưu việt của chế độ ta với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau.

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Hưởng ứng phong trào, Thái Nguyên đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, quyết tâm hoàn thành chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” sớm cho các hộ có nhu cầu, đủ điều kiện trước thời điểm ngày 30/4/2025, mang đến những mái ấm vững chãi, góp phần nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 1.498 hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện pháp lý để triển khai hỗ trợ theo quy định, trong đó 913 hộ xây mới; 585 hộ sửa chữa. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để thực hiện mục tiêu về trước kế hoạch, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát thống kê số nhà tạm, nhà dột nát cần xây mới, sửa chữa đảm bảo đúng tiêu chí, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật, huy động nguồn lực và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.

Ngôi nhà của ông Hoàng Văn Thiện, xã Phúc Lương, huyện Đại Từ mới được hỗ trợ xây dựng xong

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành trên tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đối với hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đã có 9/9 địa phương trong tỉnh hoàn thành mục tiêu xóa xong nhà tạm, nhà dột nát. Đến ngày 9/4/2025, toàn tỉnh đã hoàn thành xây mới và tu sửa được trên 99% nhà đủ điều kiện hỗ trợ. Đối với những nhà chưa đủ điều kiện hỗ trợ do vướng mắc về thủ tục đất đai (340 nhà) cũng được tìm cách tháo gỡ và khởi công đạt 99%. Những khó khăn tưởng chừng khó có thể vượt qua về nguồn lực, quỹ đất, thủ tục đất đai… đã được tháo gỡ. Điểm mới trong thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát là Thái Nguyên đã ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số vào công tác chỉ đạo điều hành. Thông qua nền tảng GapoWork.vn (không gian làm việc số), việc chỉ đạo được thực hiện xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở. Ở chiều ngược lại, thông tin từ cơ sở cũng được cập nhật nhanh chóng, kịp thời, giúp lãnh đạo nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.

Sự nỗ lực của những vùng khó

Con đường dài hơn 20 km từ Quốc lộ 1B dẫn chúng tôi tới Lũng Hoài, một trong “tam lũng” nằm trên núi cao của xã Thượng Nung, huyện vùng cao Võ Nhai. Muốn đến được Lũng Hoài, phải vượt qua những những khúc cua tay áo dốc dựng đứng, những đoạn đường hẹp bên là vực sâu, bên là vách đá... như vẫn thấy ở những vùng núi cao xa xôi. Lũng nằm trên núi cao, bao quanh là núi đá, ô tô chỉ vào được tới trung tâm, muốn đến được nhà dân, buộc phải đi bộ hoặc trèo qua những đoạn núi non hiểm trở.

Lũng Hoài có 55 nóc nhà, 286 khẩu thì có tới 39 hộ nghèo, cận nghèo; 100% là đồng bào dân tộc Mông. Tập quán từ bao đời nay của người Mông thường chọn vùng núi cao để sinh sống, gắn đời mình với núi rừng, chinh phục những vùng đất hoang vu nhất. Chính vì thế, muốn xây dựng, sửa chữa một ngôi nhà cho bà con nơi đây nếu chỉ có nguồn kinh phí thôi thì chưa đủ, cần phải có công sức của nhiều người. Chị Lương Thị Mỹ Chải, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai chia sẻ: Sau khi nhận được nguồn lực, chính quyền địa phương phải hỗ trợ bà con mua nguyên vật liệu, huy động bà con Nhân dân, đoàn thanh niên, dân quân tự vệ giúp gia đình gùi cát, xi măng xuyên núi tới nhà... Ở vùng núi cao này, nước cũng là một khó khăn, để làm nhà phải lựa thời điểm trời có mưa mới có nước để xây dựng. Mặc dù vậy, với sự chung sức, đồng lòng, đến giữa tháng 4, xã đã khởi công được 86/86 nhà đủ điều kiện, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Căn nhà của anh Hoàng Văn Giàng ở xóm Tân Thái, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai đang được các cấp, ngành hỗ trợ sửa chữa

Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của Thái Nguyên có trên 750 căn nhà dột nát cần được sửa chữa xây mới, chiếm hơn một nửa số nhà cần sửa chữa, xây mới của tỉnh. Ở nhiều vùng khó, có những hộ gia đình dân tộc thiểu số vẫn giữ nếp tư duy cũ kỹ, không có nhu cầu sửa chữa nhà ở, chính quyền địa phương phải vận động thuyết phục, thậm chí đứng ra nhận tiền, làm thay phần việc của chủ nhà. Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai cho biết: Xác định đây là cơ hội để thoát nghèo cho người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở đã dồn sức thực hiện nhiệm vụ này với việc triển khai thực hiện nhiều cách làm sáng tạo. Để giải quyết khó khăn về thủ tục đất đai, địa phương đã tiến hành lập bổ sung quy hoạch, đất ở, đường vào để người dân có đất làm nhà. Đến ngày 10/4, huyện đã khởi công 783/783 nhà, trong đó xây mới 470 nhà, sửa chữa 313 nhà, hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đúng thời gian quy định như mục tiêu đã hứa với tỉnh và người dân.

Công ty TNG trao biểu trưng hỗ trợ xóa nhà tạm cho gia đình chị Tạ Thị Loan, công nhân Chi nhánh may TNG Đại Từ

Sự chung tay của cả cộng đồng

Trong sự góp sức chung, có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng các doanh nghiệp. Công ty TNG bên cạnh việc tham gia vào quỹ chung của tỉnh đã vận động người lao động và các đối tác tham gia xây dựng Quỹ Tấm lòng vàng TNG để xây dựng nhà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ sau hơn một tháng phát động, Quỹ đã tiếp nhận trên 4 tỷ đồng của 1.280 tổ chức, cá nhân. Hội Nữ doanh nhân tỉnh đã vận động xây dựng được nguồn quỹ 2 tỷ đồng để hỗ trợ phụ nữ nghèo trên địa bàn tỉnh làm nhà mới. Nhiều ngôi nhà đang được xây dựng từ nguồn quỹ của các doanh nghiệp, tổ chức đã thắp sáng ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những hộ nghèo. Được chứng kiến những người công nhân nghèo, những phụ nữ nghèo vỡ òa trong hạnh phúc khi được nhận sự quan tâm của xã hội, chúng tôi cũng thấy rưng rưng.

Các đồng chí lãnh đạo  tỉnh, huyện và Hội Nữ doanh nhân tỉnh trao biểu trưng hỗ trợ xóa nhà tạm cho 3 hộ dân là phụ nữ nghèo ở xã Liên Minh, huyện Võ Nhai

Trong văn bản chỉ đạo mới đây nhất, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã yêu cầu người đứng đầu cấp ủy chính quyền cấp huyện phải quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát ở địa phương mình. Đồng thời, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hỗ trợ không đúng đối tượng, bỏ sót đối tượng hoặc chất lượng công trình không đảm bảo. Để hoàn thành 100% số nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn được xóa (cả đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện) theo kế hoạch là không đơn giản, nhất là với các huyện miền núi, vùng cao. Do đó, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo của các địa phương phải tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để về đích đúng kế hoạch.

Trong những ngôi nhà mới, khang trang, đẹp đẽ, có tiếng cười, niềm hạnh phúc không chỉ của người được nhận, mà cả những người trao đi… niềm vui, niềm hạnh phúc cứ thế được nhân lên. Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho Nhân dân không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mệnh lệnh từ trái tim. Từ đây, hàng nghìn gia đình có nơi an cư mới, có tương lai tươi sáng hơn, những mảnh đời khó khăn có cơ hội vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thu Hà
thainguyen.gov.vn

VIDEO

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 11369

TRANG THÔNG TIN CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH THÁI NGUYÊN

Trưởng ban biên tập: Đ/c Nguyễn Tá – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 728, đường Lương Ngọc Quyến, tổ 1, phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 02083.857.965 - Email: ccttbvtv@thainguyen.gov.vn