Tăng cường phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng năm 2024 và kiểm soát ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả sau mưa bão
2024-09-27 16:06:00.0
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa rào sau bão một số diện tích cây trồng bị ngập lụt, đặc biệt là cây lúa cho nên bệnh bạc lá vi khuẩn đã phát sinh phát triển gây hại trên trà lúa mùa muộn. Cần tăng cường phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng năm 2024 và kiểm soát ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả sau mưa bão.
Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra và kiểm soát ô nhiễm môi trường khắc phục sau mưa bão Chi cục Trồng trọt và BVTV đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung như sau:
Hình ảnh ruộng lúa bị bệnh bạc lá
1. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, tiếp tục tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch hại, chủ động tham mưu các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa mùa cuối vụ đặc biệt chú ý các đối tượng: rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, đạo ôn cổ bông ...
- Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa
Tăng cường kiểm tra đồng ruộng phát hiện ổ rầy, phun thuốc trừ rầy với những ruộng lúa có mật độ 40-50 con/khóm (2.000 - 2.500 con/m2). Khi phun chú ý đến thời gian cách ly để đảm bảo an toàn cho nông sản.
- Đối với những diện tích lúa đang làm đòng - trỗ, ruộng chủ động nước nên sử dụng các loại thuốc có tác dụng lưu dẫn như: Actara® 25WG, Chess® 50WG, Sutin 5EC, 50SC, Matoko 50WG...
- Đối với những ruộng khô hạn và lúa từ giai đoạn chắc xanh đến chín, sử dụng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc như: Bassa 50EC, Butyl 10WP, 40WG, 400SC, Applaud 25WP, Florid 700WP, Nibas 50EC, Brimgold 200WP... (Yêu cầu phải rẽ lúa thành luống, mỗi luống rộng từ 0,5 - 0,6m và phun trực tiếp vào gốc lúa nơi rầy tập trung gây hại).
- Đối với sâu đục thân hại lúa: Theo dõi diễn biến của trưởng thành, mật độ ổ trứng và thời điểm sâu non nở đặc biệt trên những ruộng đang trong giai đoạn làm đòng - trỗ bông. Thời gian phòng trừ sâu đục thân tập trung từ 27/9 - 8/10 gây ung đòng, bạc bông trên trà lúa Mùa muộn.
- Sử dụng thuốc phun trừ sâu cho những ruộng lúa đang trong giai đoạn làm đòng, có mật độ ổ trứng trên 0,3 ổ/m2 (3 ổ/10 m2), thời điểm phun khi sâu non mới nở, những ruộng có mật độ ổ trứng cao trên 1 ổ/m2 (10 ổ/10m2) cần tiến hành phun kép 2 lần cách nhau từ 4 - 5 ngày.
- Sử dụng một trong các thuốc trừ sâu đục thân hại lúa được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam ví dụ như: Boxing 405EC; Pertox 5EC, 100EW, 250WP; Shepatin 90EC; Netoxin 90WP; Tridan 21.8WP; Confitin 18EC; Reasgant 3.6EC; Gà nòi 95SP...
- Đối với bệnh khô vằn hại lúa: Áp dụng tổng hợp các biện pháp chăm sóc cây lúa khỏe, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện ổ bệnh, phun thuốc trừ bệnh bằng một trong các loại thuốc trừ bệnh khô vằn hại lúa được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam ví dụ như: Anvil® 5SC; Tilt Super® 300EC; Validacin 5SL; Mekongvil 5SC; Daconil 75WP, 500SC...
- Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện ổ bệnh, chú ý sau mỗi trận mưa giông lớn, phun thuốc trừ khi bệnh xuất hiện kết hợp với các biện pháp canh tác khác như: dừng ngay bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng. Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để phun trừ ví dụ như: Tokyo-Nhật 220WP; Xantocin 40WP, Sansai 200 WP; Totan 200WP, Ychatot 900SP; Sieu sieu 250WP; PN-balacide 32WP; Stifano 5.5SL ... Sau khi phun thuốc 5 - 7 ngày, nếu bệnh chưa dừng phải tiến hành phun lại.
- Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, cổ gié: Tiến hành phun thuốc phòng bệnh với những ruộng cấy giống nhiễm như Nếp... Sử dụng một trong các thuốc trừ bệnh đạo ôn hại lúa được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam như: Amistar Top® 325SC; Daconil 75WP; Fuji-One 40EC, 40WP, Katana 20SC; Fu-army 30WP, 40EC; Fuan 40EC …
Thời điểm phun khi lúa trỗ được 10% số bông trên ruộng hoặc sau khi lúa trỗ thoát (Phun vào thời điểm hạt chấu khép). Đối với những ruộng bị bệnh đạo ôn lá hại nặng cần tiến hành phun kép 2 lần, lần 1: Trước khi lúa trỗ 1-2 ngày, lần 2: Sau khi lúa trỗ thoát. Sau khi phun thuốc nếu gặp mưa to cần phải phun lại.
- Sâu bệnh hại trên cây rau màu: Đối với diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch ngay giải phóng đất cho gieo trồng vụ đông . Đối với diện tích rau màu sau ngập úng nhẹ tiến hành chăm sóc xới phá váng, bón phân để cây trồng phục hồi.Theo dõi sát tình hình sâu bệnh trên cây trồng để có biện pháp phòng trừ kịp thời các đối tượng sau:
+ Sâu xanh bướm trắng, sâu tơ, sâu khoang: Chủ động kiểm tra mật độ sâu để phòng trừ khi mật độ sâu xanh, sâu khoang trên 6 con/m2, mật độ sâu tơ trên 20 con/m2, phun khi sâu tuổi nhỏ. Sử dụng các loại thuốc trừ sâu được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam như: Aremec 45EC; Catex 3.6EC; BP Dy Gan 5.4EC; Fimex 36EC…
+ Bệnh thối nhũn: Phát hiện sớm và nhổ bỏ cây bị bệnh ra khỏi vùng trồng rau, ngừng bón phân. Sử dụng các loại thuốc trừ bệnh được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam ví dụ như: Agrilife 100SL; Stifano 5.5SL …
+ Với bệnh sương mai cà chua, khoai tây: Chủ động phun phòng bệnh khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển (trời âm u, mưa ẩm). Sử dụng các loại thuốc trừ bệnh được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam như: Daconil 75WP, 500SC; Amistar® 250 SC; Newtracon 70 WP …
Ngoài cần theo dõi chú ý sâu keo mùa thu, sâu ăn lá, sâu đục thân nõn gây hại cây ngô; rệp muội, bọ nhẩy ....gây hại rau.
Chú ý: + Khi lúa đang trỗ chỉ được phun thuốc vào buổi chiều mát.
+ Nồng độ, liều lượng sử dụng theo hướng dẫn trên nhãn thuốc.
2. Kiểm soát ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão
- Tăng cường công tác công tác điều tra dự tính dự báo, kiểm tra thăm đồng nắm bắt tình hình sâu bệnh trên cây lúa mùa muộn, sâu bệnh trên cây trồng vụ đông, tham mưu văn bản hướng dẫn các địa phương phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng, bảo vệ năng suất sản lượng cây trồng năm 2024, không để diện tích cây trồng sau mưa bão mất mùa do sâu bệnh.
- Nắm bắt những khu vực có nguy cơ phát tán ô nhiễm cao đến môi trường (như bãi chôn lấp chất thải rắn nông nghiệp, điểm tập kết vỏ bao bì thuốc BVTV, kho thuốc BVTV...), hướng dẫn địa phương, tổ chức, cá nhân có phương án xứ lý, thu gom chất thải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
- Các địa phương tuyên truyền hướng dẫn đến tổ chức, cá nhân sản xuất trồng trọt nhanh chóng thu hoạch diện tích luá, rau màu đến kỳ thu hoạch để lấy diện tích đất cho canh tác trồng cây rau, màu, hoa... vụ đông; Đối với trà lúa mùa muộn, cây trồng vụ đông, cây ăn quả, chè: Tiến hành chăm sóc xới sáo phá váng, bón phân bổ sung, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, không để sâu bệnh hại cây trồng gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.
- Để giải phóng đất canh tác cho triển khai gieo trồng cây rau, màu, hoa tái sản xuất, đối với những diện tích cây trồng bị ngập lụt đang phân hủy do ngâm nước lâu ngày, nhanh chóng tháo nước khỏi ruộng, thu gom, xử lý vệ sinh đồng ruộng bằng các chế phẩm sinh học giúp cho cây lúa nhanh phân hủy hoặc thu gom các sản phẩm lúa chết và phụ phẩm gốc rơm rạ, ngô lên vị trí cao tiến hành ủ phân hữu cơ tận thu làm phân bón hữu cơ cho cây trồng vụ đông, hạn chế tối đa việc đốt lúa, gốc rơm rạ ngoài đồng ruộng gây ảnh hưởng đến môi trường.
- Tuyên truyền hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất trồng trọt tại địa phương ( về sử dụng giống cây trồng giống ngắn ngày, giống ưa ấm; công tác bảo vệ thực vật; quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý sức khỏe cây trồng tồng hợp, sức khỏe đất...), góp phần nâng cao cải thiện đời sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Tin ảnh và bài: Phòng Trồng trọt và BVTV - Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Nguyên