Tạo nguồn lực phát triển văn hóa cơ sở khi đơn vị hành chính thay đổi
2025-07-08 09:37:00.0
Trên sân Trường trung học cơ sở Tân Thượng, tỉnh Lâm Đồng trong giờ ngoại khóa.
Sáp nhập các đơn vị hành chính là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm tinh gọn bộ máy quản lý, tạo cơ hội cho các nguồn lực phát triển mạnh mẽ, trong đó có văn hóa. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra không hề nhỏ. Bảo tồn, gìn giữ, phát triển văn hóa địa phương sao cho hài hòa, vừa nuôi dưỡng những nét đẹp truyền thống vừa thúc đẩy phát triển các giá trị mới phù hợp với xu thế thời đại là yêu cầu cấp bách của các chính quyền địa phương sau sáp nhập.
Cần một cái nhìn tổng thể mang tính chiến lược của các nhà quản lý, để việc thay đổi địa giới thật sự mở ra những cánh cửa rộng lớn, tạo điều kiện cho văn hóa từng vùng đất cất cánh, không chỉ nâng cao đời sống tinh thần cho người dân mà còn tạo sinh kế làm giàu đời sống vật chất cho cộng đồng. Để thực hiện được điều này, cần nhiều giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ của chính quyền hai cấp.
Từng địa phương cần có sự đánh giá toàn diện về văn hóa, ghi nhận mức độ ưu tiên của các giá trị trong danh mục bảo tồn, phát huy để tập trung nguồn lực hỗ trợ. Đây sẽ là cơ sở đề xuất các chính sách phù hợp bảo đảm cho văn hóa được phát triển hài hòa, bền vững.
Cần cơ chế riêng cho từng hoạt động như bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội, làng nghề truyền thống, hỗ trợ các nghệ nhân là những báu vật nhân văn sống - những người nắm giữ tri thức văn hóa địa phương.
Bên cạnh đó, các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương cần được thúc đẩy nhằm tạo ra một sự nhận thức chung trong cộng đồng về giá trị và sức mạnh của văn hóa.
Ở đâu và bao giờ cũng vậy, yếu tố con người luôn là trung tâm của văn hóa. Văn hóa chỉ có thể tồn tại khi được lan tỏa, thực hành trong đời sống hằng ngày của nhân dân. Thông qua các sinh hoạt văn hóa, người dân vừa giữ gìn truyền thống vừa sáng tạo các giá trị văn hóa mới.
Việc sáp nhập địa giới hành chính đang tạo ra nhiều thuận lợi để có thể hiện thực hóa các chính sách bảo vệ, phát huy văn hóa. Nếu trước đây, từng địa phương nhỏ lẻ gặp không ít khó khăn trong tổ chức các hoạt động văn hóa thì sau sáp nhập, chính quyền địa phương có điều kiện tốt hơn để tập trung cho phát triển văn hóa.
Các thiết chế như bảo tàng, nhà văn hóa sẽ được kết nối để trở thành các trung tâm quy mô hơn, tạo không gian học tập, sáng tạo và sinh hoạt văn hóa cho người dân. Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu nêu trên, đòi hỏi một sự tập trung nhưng phải linh hoạt trong công tác quản lý. Chính quyền địa phương có trách nhiệm xây dựng chính sách phù hợp vừa giúp bảo vệ vừa giúp phát huy các vẻ đẹp văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền.
Bởi sau sáp nhập, bên cạnh một số địa phương có sự tương đồng, lại có một số địa phương chứa không ít khác biệt trong văn hóa, phong tục, tập quán. Đặc điểm này đòi hỏi trong công tác quản lý văn hóa cần sự hiểu biết thấu đáo cũng như sự cởi mở để tiếp nhận, tiếp thu các giá trị văn hóa mới, tránh tư tưởng cục bộ, bảo thủ.
Có như vậy chúng ta mới có thể khơi thông mọi nguồn lực để phát triển văn hóa. Bởi vì văn hóa không chỉ là di sản của quá khứ, mà còn là những viên gạch quý để xây dựng tương lai vững bền của từng địa phương, của đất nước trong kỷ nguyên mới.
nhandan.vn