Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ bệnh hại trên cây trồng
2024-03-20 15:41:00.0
Hiện nay một số bệnh gây hại trên cây trồng như bệnh đạo ôn xuất hiện gây hại lúa, bệnh phồng lá gây hại trên chè. Bệnh sương mai, thán thư hại trên cây nhãn, vải. Dự báo trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục mưa xen kẽ, ẩm độ không khí cao trên 85%, rét nhẹ. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh phát sinh, phát triển và gây hại trên diện rộng.
Để hạn chế thiệt hại thấp nhất do dich hại gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật phòng trừ dịch hại cho cây trồng vụ Xuân năm 2024 như sau:
1. Đối với bệnh Đạo ôn hại lúa
- Phòng bệnh: Thực hiện bón phân cân đối giữa đạm, lân và kaly, kết hợp làm cỏ, giữ nước hợp lý, đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt.
- Trừ bệnh: Với những ruộng bệnh đã xuất hiện, thực hiện dừng bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng và phân bón lá, giữ đủ nước trong ruộng, tranh thủ thời tiết thuận lợi để phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu khi bệnh mới xuất hiện. Những ruộng bệnh gây hại nặng phải phun kép 2 lần cách nhau từ 5 - 7 ngày. Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành tại Việt Nam để phun trừ ví dụ như: Amistar Top® 325SC; Daconil 75WP; Fuji-One 40EC, 40WP, Katana 20SC; Fu-army 30WP, 40EC; Lúa vàng 20WP; Fuan 40EC …
Ngoài ra cần theo dõi diễn biến các đối tượng sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh khô vằn ...gây hại trên lúa Xuân.
2. Đối với bệnh Phồng lá hại chè
* Đối với vườn chè giống, nương chè kinh doanh chưa bị bệnh
- Vệ sinh sạch sẽ, tạo độ thông thoáng, nhặt hom chết, que, cọc, lá rụng, cắt vết bệnh (trên lá) đem đốt hoặc chôn sâu để tiêu diệt nguồn bệnh (áp dụng đối với vườn ươm). Tỉa bớt cành cây che bóng, làm sạch cỏ dại tạo độ thông thoáng trong nương chè (đối với vườn chè kinh doanh).
- Bón phân cân đối, tránh bón quá nhiều phân đạm và bón phân đạm đơn. Cần bón bổ sung phân Kali để tăng sức chống bệnh cho cây chè.
* Đối với vườn chè giống, nương chè kinh doanh đã bị bệnh Phồng lá
Ngừng bón phân hóa học, thực hiện các biện pháp thủ công như hái bỏ những lá, búp chè bị bệnh, đem đốt hoặc vùi sâu để tiêu diệt nguồn bệnh, sau đó xử lý bằng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành tại Việt Nam để phun trừ ví dụ như: Manage 5WP, Stifano 5.5SL, Starsuper 20WP; Yomisuper 23WP...
Hình ảnh cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra bệnh phồng lá hại chè tại xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
3. Đối với bệnh sương mai, thán thư hại nhãn, vải
Chủ động theo dõi những vườn vải, nhãn đang trong giai đoạn phát triển lộc, nụ hoa, quả non, phát hiện kịp thời bệnh sương mai, thán thư hại vải, nhãn, tỉa bớt các chùm hoa quá dày, các nhánh hoa ở phần đầu và phần cuối chùm hoa, hướng dẫn nông dân phun phòng bệnh trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển (trời mưa ẩm). Sử dụng các loại thuốc trừ bệnh được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam ví dụ như: Đối với bệnh thán thư sử dụng thuốc như: Manage 5WP; Daconil 500SC; Lilacter 0.3 SL; Mdancozeb 640 WP; Stonegold 22WP.... Bệnh sương mai sử dụng thuốc như Antracol 70WP; Arygreen 75 WP, 500SC; Insuran 50WG; Lilacter 0.3 SL...
Tin bài và ảnh: Phòng Trồng trọt và BVTV - Chi cục Trồng trọt và BVTV Tỉnh Thái Nguyên