Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT

 

Thái Nguyên triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản

2025-04-17 18:53:00.0

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức có liên quan trọng việc thi hành Luật Địa chất và khoáng sản số 54/2024/QH15, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản.

Kế hoạch nêu rõ Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản. (Ảnh minh họa)

Luật Địa chất và khoáng sản số 54/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ Tám thông qua ngày 29/11/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Luật gồm 12 chương, 111 điều, quy định một số nội dung cơ bản về việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng sản thuộc dự án đầu tư khai thác khoáng sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam..

Để thực hiện Luật Địa chất và khoáng sản kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản với mục đích nâng cao nhận thức về Luật Địa chất và khoáng sản và trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức có liên quan trọng việc thi hành Luật Địa chất và khoáng sản; xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật; xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản trên địa bàn tỉnh. 

Yêu cầu đặt ra là bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản. Nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, đảm bảo chất lượng, tiến độ hoàn thành công việc.

Kế hoạch cũng yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản 

Kế hoạch cũng nêu rõ các nội dung thực hiện. Cụ thể, tỉnh sẽ tổ chức các hội nghị quán triệt, tập huấn chuyên sâu về Luật Địa chất và Khoáng sản cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, các hoạt động tuyên truyền sẽ được triển khai rộng rãi bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với thực tiễn địa phương như: Chuyên mục truyền hình, phát thanh, bài viết trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo nội dung thiết thực, hình thức phù hợp với từng đối tượng. Trước mắt, sẽ có đợt tuyên truyền trọng điểm trong quý II/2025, trước khi Luật chính thức có hiệu lực.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tiến hành rà soát, hệ thống hóa các văn bản pháp luật liên quan đến địa chất và khoáng sản. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND và HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp, đảm bảo tính thống nhất với Luật mới. Các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao cũng sẽ thực hiện rà soát tương tự đối với lĩnh vực mình phụ trách.

Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về khoáng sản, địa chất. (Ảnh minh họa)

Về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật Địa chất và khoáng sản, Kế hoạch nêu, Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp liên ngành và liên tỉnh về khoáng sản; thẩm định, phê duyệt các đề án, báo cáo điều tra cơ bản địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản nhóm III và IV; tổ chức lưu trữ thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản; chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản chưa khai thác... Các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố cũng có trách nhiệm phối hợp thực hiện các nội dung trên theo đúng thẩm quyền, trong đó bao gồm cả công tác xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đảm bảo an toàn trong khai thác mỏ.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức theo dõi và báo cáo kết quả thi hành Luật Địa chất và khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, định kỳ 02 năm một lần và khi có yêu cầu.

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn

VIDEO

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 11369

TRANG THÔNG TIN CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH THÁI NGUYÊN

Trưởng ban biên tập: Đ/c Nguyễn Tá – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 728, đường Lương Ngọc Quyến, tổ 1, phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 02083.857.965 - Email: ccttbvtv@thainguyen.gov.vn