Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT

 

Thị trường carbon tại Việt Nam: “Đường băng” đã sẵn, chờ pháp lý “cất cánh”

2025-07-22 19:15:00.0

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý để vận hành thị trường carbon trong nước.

Thị trường carbon Việt Nam sẵn sàng cho bước “cất cánh”. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Việt Nam đang trong giai đoạn đầu xây dựng phát triển thị trường carbon nên sẽ có những bước đi, lộ trình phù hợp. Trong đó, tham gia cơ chế tín chỉ chung (JCM) là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp chủ động hơn trong đầu tư vào các hoạt động giảm phát thải và tận dụng hiệu quả các cơ chế tài chính carbon mới.

Trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý để vận hành thị trường carbon trong nước; cũng như hợp tác quốc tế về trao đổi kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia cơ chế JCM

Chia sẻ tại Diễn đàn “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia cơ chế tín chỉ chung (JCM), hướng tới sẵn sàng cho thị trường carbon tại Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam phối hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản tổ chức ngày 22/7, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho biết JCM là sáng kiến của Nhật Bản, thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia đang phát triển nhằm thúc đẩy đầu tư, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ và cơ sở hạ tầng phát thải carbon thấp tại các quốc gia.

Tại Việt Nam, cơ chế JCM được ký kết và triển khai từ năm 2013 cho giai đoạn 2013-2020 và tiếp tục được gia hạn cho giai đoạn 2021-2030. Điều này thể hiện kỳ vọng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước (Việt Nam - Nhật Bản), hướng tới đạt được những kết quả về giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Trong giai đoạn 2013-2020, Nhật Bản đã triển khai hợp tác cơ chế JCM với 17 quốc gia, trong đó có Việt Nam, và hiện nay đã lên đến 30 quốc gia.

Đánh giá cao cơ chế JCM, Cục Biến đổi khí hậu hy vọng JCM sẽ trở thành cơ chế toàn cầu trong tương lai. Đến nay, trên 30 nước ký kết JCM đã có trên 256 dự án đã và đang tham gia cơ chế; 106 phương pháp luận tạo tín chỉ carbon.

Đối với Việt Nam, thời gian qua, cơ chế JCM đã đạt được các kết quả: Thành lập ủy ban hỗn hợp hai nước và phê duyệt 15 phương pháp luận, đăng ký 14 dự án. Các dự án chủ yếu tập trung vào các dự án tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, cải tiến trang thiết bị để hiệu quả năng lượng cao hơn. Đến nay, 35.000 tín chỉ carbon đã được cấp, với tổng mức cam kết hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản khoảng 35 triệu USD.

Ngoài các dự án đã đăng ký, phía Nhật Bản đang tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tiềm năng xây dựng và triển khai dự án để đăng ký theo Cơ chế JCM. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng giảm phát thải lớn của Việt Nam như trong canh tác sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, năng lượng, giao thông.

Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục xem xét mở rộng phạm vi đầu tư sang các dự án giảm phát thải khí nhà kính khó hơn, phức tạp hơn, cần đầu tư tài chính, kỹ thuật và công nghệ cao như các dự án về thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCS/CCUS); cũng như các dự án phát triển điện gió ngoài khơi.

Hoàn thiện pháp lý, tăng công tác kiểm kê

Theo lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu, để xây dựng, tiến tới vận hành, phát triển thị trường carbon trong nước, hành lang pháp lý đã được chuẩn bị đầy đủ.

Cụ thể, ngày 24/01/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam tại Quyết định số 232/QĐ-TTg.

Tiếp đó, ngày 9/6/2025, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 119/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.

Việc sửa đổi nghị định trên giúp Việt Nam tăng cường hơn nữa công tác kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải khí nhà kính theo hướng minh bạch, sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu của quốc tế đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường carbon, tạo tín chỉ carbon trong các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Nghị định số 119/2025/NĐ-CP cũng có các quy định liên quan đến việc các bộ, ngành phê duyệt các phương pháp tạo tín chỉ carbon; các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; tham gia trao đổi hạn ngạch trong thị trường carbon; việc vận hành thị trường carbon; thư chấp thuận trao đổi kết quả giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon…

Nghị định trên cũng quy định các doanh nghiệp có hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được trao đổi, giữa các doanh nghiệp sử dụng vượt quyền phát thải được mua hạn ngạch của các doanh nghiệp phát thải thấp hơn. Trong giai đoạn đầu, mức này ở Việt Nam (quy định 30%) nhằm khuyến khích để dần làm quen với thị trường carbon.

Theo Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường, những quy định trên là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Theo đó, tín chỉ carbon từ các dự án JCM sẽ được trao đổi trên sàn giao dịch carbon tại Việt Nam.

Ngoài ra, triển khai Quyết định số 232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng phối hợp với Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán, đã xây dựng hệ thống đăng ký quốc gia về quản lý hạn ngạch và tín chỉ carbon phục vụ cho các cơ sở có hạn ngạch và các doanh nghiệp có tín chỉ carbon trên toàn lãnh thổ Việt Nam; kết nối trong nước và quốc tế, kết nối hệ thống đăng ký này với hệ thống sàn giao dịch carbon ETS...

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng bộ tài liệu nghiệp vụ, trên cơ sở đó sẽ thiết kế, hình thành xây dựng, triển khai, vận hành thị trường carbon, sàn giao dịch carbon. Bộ Tài chính chủ trì đang trình Chính phủ Nghị định về vận hành sàn này và dự kiến sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới, để điều chỉnh các hoạt động của sàn giao dịch carbon tại Việt Nam (sàn ETS).

Trong thời gian tới, ông Tăng Thế Cường cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý để vận hành thị trường carbon.

Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường cũng sẽ hợp tác quốc tế về trao đổi kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên; hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thuộc Chính phủ Nhật Bản trong việc rà soát, điều chỉnh các hướng dẫn JCM phù hợp với quy định của Thỏa thuận Paris và bối cảnh mới trong nước và quốc tế.

Theo Cục Biến đổi khí hậu, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu xây dựng phát triển thị trường carbon nên sẽ có những bước đi, lộ trình phù hợp.

Vì vậy, tham gia JCM cũng là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp chủ động hơn trong đầu tư vào các hoạt động giảm phát thải và tận dụng hiệu quả các cơ chế tài chính carbon mới.

Dẫn kinh nghiệm từ phía doanh nghiệp Nhật Bản, đại diện Công ty Erex cho biết Erex là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất điện sinh khối tại Nhật Bản. Hiện nay, Erex đang triển khai nhiều dự án điện sinh khối tại Việt Nam, với sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ chế JCM và các sáng kiến liên quan, cùng sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam.

Với hiệu quả từ thực tế, thời gian tới, các tín chỉ carbon được cấp thông qua JCM có thể được sử dụng trong hệ thống giao dịch phát thải khí nhà kính (ETS) của cả Nhật Bản và Việt Nam, góp phần thúc đẩy thị trường carbon và đẩy nhanh quá trình khử carbon tại cả hai quốc gia./.


TTXVN

VIDEO

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 12943

TRANG THÔNG TIN CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH THÁI NGUYÊN

Trưởng ban biên tập: Đ/c Nguyễn Tá – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 728, đường Lương Ngọc Quyến, tổ 1, phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 02083.857.965 - Email: ccttbvtv@thainguyen.gov.vn