Triển vọng từ mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học trong sản xuất chè theo VietGAP
2025-03-03 13:59:00.0
Mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đang mở ra nhiều triển vọng tích cực cho ngành chè, góp phần chuyển đổi sang nông nghiệp sạch và bền vững.
Để tạo điều kiện cho bà con nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè; năm 2024-2025, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đã thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ nano và chế phẩm sinh học trong sản xuất chè theo VietGAP vùng miền núi phía Bắc” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Mô hình triển khai tại Hợp tác xã (HTX) chè Trung Du Tân Cương, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên quy mô 15 ha/năm, thực hiện 02 năm liên tiếp trên cùng địa điểm với 30 hộ nông dân tham gia (Các hộ nông dân đều là thành viên và hộ liên kết với HTX chè Trung Du Tân Cương). Mô hình triển khai, thực hiện tại vườn chè Trung du, LDP1…ở giai đoạn thời kỳ kinh doanh từ năm thứ 5 trở đi.
Hình ảnh kiểm tra mô hình sử dụng phân bón hữu cơ nano và chế phẩm sinh học trong sản xuất chè theo VietGAP vùng miền núi phía Bắc tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên
Theo đó, mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học giúp tăng năng suất cây trồng nhờ tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng từ các chất đa vi lượng và vi sinh vật có lợi; cải thiện chất lượng và sản lượng cây trồng góp phần tăng hiệu quả kinh tế; giúp cây chắc khỏe, phát triển xanh tốt; tăng sức chống chịu.
Trong quá trình triển khai, đơn vị chủ trì đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên để cấp mã số vùng trồng cho HTX đồng thời phối hợp với tổ khuyến nông cộng đồng, chính quyền địa phương hướng dẫn hỗ trợ, tư vấn thành lập Tổ hợp tác; thiết lập hệ thống quản lý cho Tổ hợp tác.
Kết quả đánh giá năm thứ nhất cây chè sinh trưởng tốt, tăng năng suất và chất lượng.
Ngày 22/11/2024, Hợp tác xã chè Trung Du Tân Cương được Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật và Huấn luyện Nghiệp vụ Chất lượng Nông lâm Thủy sản - Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận VietGAP với 15 ha chè; ngày 02/12/2024, được Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên cấp giấy xác nhận mã số vùng trồng với diện tích 10 ha chè.
Năm 2025, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp tiếp tục thực hiện các nội dung giám sát quy trình sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học trong sản xuất chè VietGAP; hàng năm Chi cục Trồng trọt và BVTV thực hiện duy trì, kiểm tra, giám sát đối với các mã vùng trồng đã được cấp theo quy định.
Mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng chè mà còn cải tạo đất, bảo vệ môi trường và tạo ra giá trị kinh tế cao. Đây chính là hướng đi bền vững, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay và khẳng định vị thế của chè Việt Nam trên trường quốc tế./.
Tin ảnh và bài: TS. Hoàng Thị Thuỷ, Phòng TT và BVTV, Chi cục Trồng trọt và BVTV Tỉnh Thái Nguyên