Về thăm nhà Bác ở làng Hoàng Trù
Mon May 19 19:15:00 GMT+07:00 2025
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm trước căn nhà tranh ba gian, nơi Bác Hồ chào đời ngày 19/5/1890 tại làng Hoàng Trù
Làng Hoàng Trù, nơi khởi nguồn của một nhân cách vĩ đại
Cách làng Sen khoảng 2 km, cách thành phố Vinh khoảng 15 km, làng Hoàng Trù (hay còn gọi là làng Chùa) thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - chính là quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây gắn liền với những năm tháng đầu đời của Người và cũng là nơi Bác cất tiếng khóc chào đời vào ngày 19 tháng 5 năm 1890, trong ngôi nhà tranh ba gian đơn sơ của cha mẹ - ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan.
Cụm di tích Hoàng Trù rộng 3.500 m2, gồm: Ngôi nhà của cụ Hoàng Xuân Đường - ông ngoại của Bác Hồ; nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân và ngôi nhà của thân sinh Bác Hồ.
Lịch sử đã ghi lại: Cụ Hoàng Xuân Đường là một nhà nho nổi tiếng, sống trọng nghĩa tình, từng mở lớp dạy học tại nhà cho trẻ em trong làng. Chính cụ đã nhận cậu học trò Nguyễn Sinh Sắc, một học trò nghèo mồ côi cha mẹ về nuôi dạy. Vì quý mến tài năng và đức độ cậu học trò, cụ đã quyết định vượt qua lễ giáo khắt khe thời đó và gả con gái lớn Hoàng Thị Loan cho ông Nguyễn Sinh Sắc. Thương con, cụ Đường cắt một phần vườn rộng một sào ba thước và dựng căn nhà nhỏ ba gian, cho con gái “ra ở riêng” với mong ước về một tổ ấm đầm ấm và tươi sáng.
Chính nơi căn nhà tranh mộc mạc, đơn sơ ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống những năm tháng ấu thơ trong vòng tay yêu thương của gia đình. Ngôi nhà hiện vẫn được lưu giữ gần như nguyên vẹn, với chiếc giường tre, chum nước, khung cửi, chiếc võng năm xưa… Tất cả như tái hiện lại một phần ký ức tuổi thơ của Bác, là chứng tích sống động về cội nguồn hình thành nên nhân cách, trí tuệ và tâm hồn cao cả của một vĩ nhân - Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam.
Chiếc võng và khung cửi trong căn nhà nhỏ gắn liền với tuổi thơ ấu của Bác và cuộc đời của mẹ Bác
Căn nhà tranh ba gian và tiếng ru của mẹ bên khung cửi
Trong căn nhà nhỏ ba gian lợp lá giữa khu vườn nhỏ, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời vào ngày 19/5/1890, cách đây tròn 135 năm, trái tim tôi như lặng đi trước khung cảnh mộc mạc và vật dụng đơn sơ trong nhà: Chiếc rương gỗ - kỷ vật của ông bà ngoại Bác tặng mẹ khi lấy chồng; chiếc giường nhỏ của bà Hoàng Thị Loan, nơi đã sinh ra Bác; bên cạnh là chiếc võng đay, khung cửi mẹ Bác từng dệt vải nuôi con và căn bếp nhỏ…
Người thuyết minh là một người phụ nữ xứ Nghệ giọng nhỏ nhẹ, đầm ấm bắt đầu kể cho Đoàn nghe câu chuyện về gia đình Bác: Một gia đình nghèo ở nông thôn, một người mẹ tảo tần, một cậu bé thông minh và lễ phép, một ông ngoại nhân từ... Tôi không nhớ hết từng câu chữ, nhưng có một điều tôi biết chắc chắn: Tại căn nhà này, chính tiếng ru ầu ơ giữa trưa hè xứ Nghệ, những năm tháng tuổi thơ nghèo khó nhưng đầy yêu thương ấy, đã gieo vào tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung những hạt mầm đầu tiên của đạo lý, của lòng yêu quê hương đất nước và khát vọng đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Tôi nhắm mắt lại trong giây lát, tưởng như thấy dáng mẹ Hoàng Thị Loan ngồi bên khung cửi, dáng cậu bé Nguyễn Sinh Cung chạy chân trần trên sân đất đỏ còn vũng nước khi cơn mưa rào vừa dứt, tiếng võng kẽo kẹt bên tiếng thoi đưa… những âm thanh, hình ảnh đó từ căn nhà nhỏ này kể cho tôi nghe một câu chuyện lớn, câu chuyện của một nhân cách vĩ đại hình thành từ những điều giản dị nhất.
Thăm không gian tiếp khách, nơi dạy học của cụ Hoàng Xuân Đường - Ông ngoại Bác Hồ
Người mẹ thầm lặng và những mất mát khôn nguôi trong tuổi thơ của Bác
Sau khi sinh ba người con: Nguyễn Thị Thanh, Nguyên Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung, bà Hoàng Thị Loan cùng với các con rời căn nhà nhỏ và quê hương xứ Nghệ, theo chồng đi bộ vào Kinh thành Huế. Hành trình dài cả tháng, trong điều kiện hết sức gian nan - tất cả xuất phát từ niềm tin và khát vọng của một người mẹ: Mong con cái được học hành, được mở mang trí tuệ giữa chốn kinh kỳ. Đây là minh chứng cho sự quyết đoán, hy sinh và tầm nhìn của bậc làm cha mẹ Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước còn chìm trong cảnh nô lệ.
Tại Kinh thành Huế, bà Hoàng Thị Loan sinh thêm người con út - Nguyễn Sinh Sin. Tuy nhiên, cuộc sống khốn khó, thiếu thốn đủ bề khiến bà lâm bệnh nặng và qua đời khi mới 33 tuổi, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình. Khi bà trút hơi thở cuối cùng, chồng và con gái lớn đều vắng nhà, còn cậu bé Nguyễn Sinh Cung - sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh mới chỉ 11 tuổi. Đó là nỗi mất mát lớn đầu tiên hằn sâu trong tâm hồn non trẻ của Người.
Chưa nguôi nỗi đau mẹ mất, Nguyễn Sinh Cung lại phải chứng kiến cái chết thương tâm của em trai út vì đói và suy dinh dưỡng. Những mất mát liên tiếp trong tuổi thơ đã sớm hun đúc ở Người một tinh thần tự lập phi thường, lòng nhân ái sâu sắc và sự thấu hiểu tận cùng nỗi khổ của Nhân dân.
Không ai thấu cảm nỗi thống khổ của đồng bào bằng một người từng trải qua cảnh mất mẹ, mất em trong đói nghèo. Cũng không ai yêu lao động, quý trọng từng hạt gạo, từng giọt mồ hôi như Người - người đã sinh ra và lớn lên giữa gian khổ. Chính từ những ký ức đau thương đó, Nguyễn Sinh Cung đã sớm nuôi chí lớn: Đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, mang lại cơm no, áo ấm và cuộc sống hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam...
Từng đoàn ở khắp mọi miền Tổ quốc trở về Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An dâng hương tưởng nhớ Bác nhân dịp sinh nhật Người
Trở về làng Hoàng Trù - Nơi khơi nguồn niềm tin và ý chí Việt Nam
Sau bao năm bôn ba khắp thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam và các nước thuộc địa trên thế giới. Nhưng dẫu đi xa đến đâu, trong sâu thẳm trái tim Người, làng Hoàng Trù vẫn luôn là nơi trở về, là biểu tượng của quê hương, của ký ức, của những yêu thương nguyên sơ và sâu đậm nhất.
Năm 1961, khi đã 71 tuổi và là Chủ tịch nước, Bác về thăm làng Hoàng Trù. Đó là chuyến trở lại quê ngoại sau hơn nửa thế kỷ xa cách, cũng là lần thăm duy nhất của Bác. Khi Bác bước vào căn nhà xưa gắn với tuổi thơ ấu, thấy những thứ trong nhà vẫn gần như nguyên vẹn, mắt rưng rưng xúc động, Người nói: “Bà con thật khéo giữ gìn - Đây là nhà của Bác”. Lời nói ấy không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn là sự khẳng định cho sợi dây kết nối không bao giờ đứt gãy giữa một người con và nơi mình được sinh ra. Cảnh vật giàn trầu, hàng cau, khung cửi, chum nước là không gian thiêng liêng lưu giữ cội nguồn tinh thần của cả một dân tộc.
Ngày nay, làng Hoàng Trù một di tích lịch sử quốc gia đặc biệt được bảo tồn. Khách hành hương khắp cả nước và bạn bè quốc tế đến thăm nơi đây không chỉ để tìm hiểu về nơi sinh của Bác, mà còn để cảm nhận về văn hóa Việt Nam đậm chất nhân hậu, nghĩa tình, thủy chung. Từng hiện vật, từng chi tiết nhỏ trong căn nhà tranh đều mang giá trị giáo dục sâu sắc, trở thành lớp học lịch sử sống động cho thế hệ trẻ.
Đứng trong căn nhà tranh, ngắm nhìn hàng cau thẳng tắp vươn lên trời cao, những luống khoai lang trồng trong khu vườn nhà Bác và hàng rào dâm bụt, tôi không chỉ thấy một không gian lịch sử, mà là một thế giới cảm xúc. Trái tim tôi đã thực sự thổn thức, đôi mắt nhòa lệ khi ngắm nhìn các kỷ vật và lắng nghe thanh âm của hướng dẫn viên. Tôi chợt hiểu, vì sao mỗi năm hàng vạn người lại về đây đứng lặng trước chiếc giường tre cũ, đứng bên cánh võng, nhìn khung cửi mòn vết tay của thân mẫu Bác...
Tháng Năm năm nay, kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng vạn người lại trở về xã Kim Liên, nơi có làng Hoàng Trù quê Mẹ và làng Sen quê Cha của Người. Từ làng Hoàng Trù, ánh sáng của lòng nhân ái, của lý tưởng cách mạng, của sự hy sinh thầm lặng nhưng cao cả tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc. Đó là nơi có người mẹ vĩ đại đã sinh ra một vĩ nhân cho dân tộc Việt Nam và cũng là nơi khẳng định một niềm tin rằng, người Việt Nam dù bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào vẫn luôn có thể vươn lên thành vĩ đại, sống bằng tâm sáng, trí bền, lòng yêu nước nồng nàn và trái tim nhân hậu.
Ngôi nhà ấy, nơi từng chứng kiến tuổi thơ của vị Cha già dân tộc, mang trong mình vẻ giản dị nhưng chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc về cội nguồn và lòng yêu nước. Nhìn lại nếp nhà tranh, mảnh vườn và những hàng tre xanh rì rào trong gió, tôi như cảm nhận được tinh thần kiên cường, giản dị của Người vẫn còn vang vọng mãi. Rời căn nhà, tôi và các thành viên trong Đoàn như mang theo cả niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao. Đó là phải sống sao cho xứng đáng với những giá trị cao đẹp mà Bác đã để lại. Tạm biệt Hoàng Trù, nhưng hình ảnh ngôi nhà nhỏ ấy sẽ mãi là nguồn cảm hứng, là ngọn lửa sáng dẫn lối chúng tôi tôi trong hành trình cống hiến cho đất nước, cho Nhân dân.
thainguyen.gov.vn