Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT

 

Niềm tự hào của nhân dân yêu chuộng hòa bình

Thu Apr 24 14:19:00 GMT+07:00 2025

Những ngày tháng Tư này, không chỉ riêng dải đất hình chữ S sống trong không khí hào hùng, niềm tự hào, tinh thần dân tộc của 50 năm thống nhất. Ở nhiều nơi trên thế giới, những người yêu mến Việt Nam, đặc biệt những người từng tham gia phong trào phản chiến, từng vui reo khi biết tin về Chiến thắng ngày 30/4/1975 cũng như sống lại thời khắc lịch sử ấy.

Nhà báo Aleksey Sunnerberg, Sputnik. Ảnh: Tâm Hằng/PV TTXVN tại LB Nga

Với nhà báo Aleksey Sunnerberg, Ban Tiếng Việt Đài Tiếng nói Moskva (sau này là Tiếng nói nước Nga, Sputnik ngày nay), cảm xúc vui sướng bất ngờ, “không tin vào tai mình” vẫn nguyên vẹn như lúc ông được nghe đồng nghiệp từ Việt Nam truyền tin quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn, bao vây Dinh Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. “Nghĩa là Việt Nam đã chiến thắng, nghĩa là 30 năm chiến tranh đã chấm dứt” - đó là lời reo vui của người phóng viên hằng ngày vẫn dõi theo tin tức từ chiến trường miền Nam Việt Nam, cảm phục sự anh hùng của người Việt Nam mỗi khi nghe tiếng bom rơi, đạn nổ bên kia đầu máy truyền tin.

Chính cảm xúc hân hoan ấy, cùng sự nhạy bén, tỉnh táo của một nhà báo đã giúp ông Sunnerberg mạnh dạn quyết định đưa tin nhanh về chiến thắng của Việt Nam, ngay cả khi những thông tin chưa được xác nhận: “Tôi chọn đoạn tin ngắn, đưa cho phiên dịch, rồi chuyển cho phát thanh viên. Và trong bản tin ngay sau đó chúng tôi đã phát đi tin Quân Giải phóng đã tiến vào Sài Gòn. Đài phát thanh Moskva trở thành đài nước ngoài đầu tiên phát tin bản tin Chiến thắng 30/4/1975, phát bằng tiếng Việt”. 50 năm đã qua, nhà báo Aleksey Sunnerberg vẫn cảm thấy may mắn vì lựa chọn đó: “Tôi đã đúng khi chọn tin vào chủ nghĩa anh hùng, vào lòng quả cảm, vào quyết tâm và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam”.

Là phóng viên chiến trường cuối cùng của Hàn Quốc rời khỏi Sài Gòn rạng sáng 30/4/1975, nhà báo Ahn Byung Chan (báo Hankuk Ilbo) vẫn luôn cảm ơn số phận vì đã cho ông có mặt ở một nơi lịch sử trong thời khắc lịch sử. Ông vẫn còn nhớ không khí căng thẳng, tĩnh lặng đến nghẹt thở ở Sài Gòn lúc đó, sự hỗn loạn trước Đại sứ quán Mỹ và các chuyến bay đưa công dân Mỹ cùng quan chức, nhân viên các nước đồng minh rời khỏi Sài Gòn. Từ trên máy bay ông đã chụp được những hình ảnh cuối cùng của Sài Gòn trước khi Việt Nam thống nhất. Từ đáy lòng, ông Ahn gửi lời chúc mừng đến nhân dân Việt Nam vì đã thống nhất đất nước, điều vô cùng có ý nghĩa mà một người dân Hàn Quốc như ông luôn khao khát.

Sau chiến tranh, ông đã nhiều lần quay lại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông đã quen tới từng con phố trong 3 năm công tác, đi chuyến tàu xuyên Việt để cảm nhận được thế nào là một đất nước thống nhất, từ đó thêm thán phục Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam “đã làm được điều mà chưa dân tộc nào trên thế giới làm được”.

Ông Ahn Byung Chan, cựu phóng viên báo Habkuk Ilbo chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc. Ảnh: Trường Giang/PV TTXVN tại Hàn Quốc

Sự kiện 30/4/1975 không chỉ mang niềm vui thống nhất cho người dân Việt Nam. Đó còn là niềm mong mỏi của hàng nghìn, hàng triệu người yêu hòa bình trên thế giới. Vợ chồng ông Hikawa Hiroshi và bà Naoko, đảng viên Đảng Cộng sản Nhật Bản, sẽ không bao giờ quên cảm xúc ngày 1/5/1975, chỉ một ngày sau khi Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Khi đó, vợ chồng ông đã cùng hàng nghìn người dân Nhật Bản tham gia cuộc biểu tình cuối cùng liên quan đến chiến tranh Việt Nam, cũng là cuộc biểu tình lớn nhất, tưng bừng nhất và xúc động nhất. Ông bà còn nhớ như in không khí ngày hôm đó tràn ngập sự hân hoan, tiếng hô vang chiến thắng và niềm tự hào lan tỏa. Những người đã nhiều năm xuống đường phản đối chiến tranh, như vợ chồng ông Hikawa, cảm thấy hạnh phúc tột cùng khi biết rằng máu và nước mắt của nhân dân Việt Nam cuối cùng cũng mang lại một nền hòa bình thống nhất. Đó không chỉ là chiến thắng của một dân tộc, mà còn là chiến thắng của công lý, của tinh thần nhân ái và đoàn kết quốc tế mà ông bà Hikawa đã dành trọn niềm tin suốt gần một thập kỷ.

Ở cách nửa vòng Trái Đất, giữa những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975, khi tin chiến thắng dồn dập từ miền Nam Việt Nam vang tới Cuba, cả đảo quốc Caribe tự hào như chính mình đang sống trong niềm hân hoan ấy. Trong ký ức của bà Poldi Sosa Schmith, Chủ tịch Viện Văn hóa Argentina - Việt Nam, thời điểm đó đang sống và làm việc tại Cuba, ít giờ sau thời khắc chiến thắng, Chủ tịch Cuba Fidel Castro, trong bộ quân phục ô liu, đã tới Đại sứ quán Việt Nam để chúc mừng. Cảm xúc của tất cả mọi người khi đó đang chờ đón tin chiến thắng thực sự đã vỡ òa. Nhân dân Cuba anh em đã dõi theo cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam với sự quan tâm đặc biệt. Mỗi chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi, từng vùng đất được giải phóng đều trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ Cuba.

Trong dòng chảy ấy, tờ báo Juventud Rebelde (Thanh niên quật khởi) đã trở thành cầu nối đặc biệt, đưa hình ảnh Việt Nam anh dũng đến gần hơn với trái tim người dân Cuba qua những bức biếm họa sâu sắc. Nổi bật là những tác phẩm của cố họa sĩ Manuel Hernández Valdés - người vừa được truy tặng Giải thưởng Mỹ thuật Quốc gia 2024. Bằng ngòi bút tài hoa và trái tim đầy nhiệt huyết, ông đã khắc họa sống động từng chặng đường kháng chiến của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4/1975. Những bức tranh không đơn thuần là tư liệu lịch sử, mà còn chứa đựng tình cảm chân thành của một người nghệ sĩ - một người bạn Cuba dành cho Việt Nam.

Còn tại Chile, Chủ tịch Hội hữu nghị Chile - Việt Nam, bà Patricia Abarzúa hồi tưởng lại không khí ngày 30/4 cách đây 50 năm với sự xúc động sâu sắc. Bà chia sẻ thông tin về chiến thắng 30/4 được lan truyền từ người này sang người khác, mọi người ăn mừng và cố gắng nghe thêm thông tin qua Đài phát thanh Moskva, phương tiện truyền thông nước ngoài duy nhất có thể nghe được ở Chile lúc đó. Trong bà vẫn còn sống động những tiếng reo mừng vang lên như  “Hồ – Hồ – Hồ Chí Minh… chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng” hay như “Dân tộc đoàn kết sẽ không bao giờ bị đánh bại”. 

Ông Viktor Petrov (bên phải) trao đổi với PV TTXVN. Ảnh: Lê Quang Vinh/TTXVN

Với những người có cơ hội trực tiếp hỗ trợ nhân dân Việt Nam khi đó, sự xúc động xen lẫn tự hào còn nhân lên gấp bội. Ông Viktor Petrov, thành viên Hội đồng quản trị Quỹ Hòa bình Xô Viết, thành viên Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam, có nhiệm vụ hỗ trợ đoàn đại biểu từ miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán hòa bình tại Paris giai đoạn 1972 - 1973, được chứng kiến giai đoạn đấu trí cuối cùng giữa hai bên trên bàn đàm phán. Quãng thời gian đó khiến ông thấy ấn tượng và khâm phục nhà nữ ngoại giao nổi tiếng Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một trong những người đại diện các bên ký Hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào hiệp định. Ông cũng được chứng kiến tình cảm của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam khi đoàn đàm phán nhận được sự ủng hộ của những người bạn chính khách tại Pháp, Thụy Điển. Khi đó, ủng hộ Việt Nam đã trở thành phong trào trên khắp Liên Xô, đồng thời được mở rộng ra khắp nơi, thể hiện qua việc Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam đã được đón tiếp rất nhiều đoàn quốc tế, trong đó có những người như nữ diễn viên nổi tiếng Jane Fonda, những sĩ quan quân đội Mỹ phản chiến.

Ông Petrov xúc động nhớ lại giây phút đích thân báo tin chiến thắng cho đoàn đại biểu miền Nam Việt Nam tại khách sạn Ukraine (nay là Radisson) ở trung tâm Moskva ngày 30/4/1975, nhiều người đã không thể tin. Được chứng kiến tinh thần chiến đấu của người dân Việt Nam, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, ông Petrov hiểu rằng chiến thắng đến không phải là điều bất ngờ sau 30 năm đấu tranh đầy gian khổ và hy sinh, song chặng đường ấy của Việt Nam quá dài, quá nhiều mất mát.

Bà Hèléne Luc, 93 tuổi, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt, không thể nào quên quãng thời gian đón tiếp phái đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự đàm phán hòa bình tại Paris. Đối với bà, đó là một trong những ký ức đẹp nhất và sâu sắc nhất. Bà nhớ lại trong suốt thời gian đó, Việt Nam đã nhận được nhiều sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Những dòng khẩu hiệu trên các biểu ngữ: "Hòa bình cho Việt Nam, Việt Nam của Hồ Chí Minh sẽ thắng"… xuất hiện không chỉ trong các cuộc biểu tình ở Pháp mà còn ở Đức và thậm chí cả ở Mỹ.

Bà Hélène Luc trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam tại Pháp. Ảnh: Nguyễn Thu Hà/PV TTXVN tại Pháp

Để đi đến Chiến thắng ngày 30/4/1975 là suốt 30 năm đấu tranh bền bỉ, anh dũng của nhân dân Việt Nam. Trong quá trình ấy, Việt Nam luôn có sự đồng hành hỗ trợ của rất nhiều bạn bè quốc tế, những người yêu chuộng hòa bình. Từng tham gia vào phong trào phản chiến cuối những năm 60 của thế kỷ trước, nhà báo và nhà sử học Pedro de Oliveira - Tổng Thư ký Hội hữu nghị Brazil - Việt Nam, nay gần 80 tuổi, cho rằng các hoạt động và phong trào phản chiến, ủng hộ hòa bình trên toàn thế giới thời đó đã đóng góp đáng kể vào chiến thắng 30/4/1975 của dân tộc Việt Nam.

Sự ủng hộ đó xuất phát từ sự đồng cảm “đã biết chiến tranh là gì” khi chứng kiến những cuộc ném bom trong Chiến tranh Thế giới thứ hai như bà Helen Luc; hay từ tinh thần phản chiến mạnh mẽ bởi nhận thức được sự tàn khốc của chiến tranh khi biết về vụ thảm sát ở Mỹ Lai như vợ chồng ông Hikawa. Từ “cảm thấy cần làm gì đó vì Việt Nam” đến trái tim cùng nhịp đập với nhân dân Việt Nam, những con người chính nghĩa ấy đã trở thành một phần lịch sử trong phong trào quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, là biểu tượng đẹp về tình đoàn kết giữa các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.


baotintuc.vn

VIDEO

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 11463

TRANG THÔNG TIN CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH THÁI NGUYÊN

Trưởng ban biên tập: Đ/c Nguyễn Tá – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 728, đường Lương Ngọc Quyến, tổ 1, phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 02083.857.965 - Email: ccttbvtv@thainguyen.gov.vn