Tái cấu trúc tiếp cận và chất lượng của dòng vốn FDI
2025-04-24 14:28:00.0
Tái cấu trúc tiếp cận và chất lượng của dòng vốn FDI trong giai đoạn kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi.
Đây cũng là nội dung được tập trung thảo luận trong Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025, với chủ đề: “Việt Nam-Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới” được tổ chức ngày 23/4 tại Hà Nội.
Hỗ trợ hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp FDI
Thành tựu thu hút FDI trong gần 4 thập kỷ qua đã minh chứng rõ nét về vai trò quan trọng của khu vực kinh tế FDI đối với tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế và phát triển thịnh vượng của Việt Nam.
42,500 dự án, giá trị 507 tỷ USD với gần 7 triệu lao động. Đây là những con số thống kê được công bố từ ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Tài chính.
Ông Trung cho biết, trong bối cảnh kinh tế quốc tế và Việt Nam đối mặt với thách thức khó lường, khó dự đoán và "khó thích nghi", việc hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong nước cũng như thế giới tại Việt Nam, sẽ luôn là ưu tiên của cả hệ thống chính trị.
Thứ trưởng Tài chính Đỗ Thành Trung trao đổi về sự quan tâm Chính phủ sẽ tiếp tục dành cho khu vực FDI.
Giai đoạn 2026-2030, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút mỗi năm khoảng 40-50 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn FDI giải ngân đạt từ 30-40 tỷ USD mỗi năm. Trong giai đoạn tới, dòng vốn FDI tiếp tục được xem là một trong những động lực quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng cao.
Hướng đến nâng cao chất lượng và hiệu quả của khu vực FDI, trong khuôn khổ diễn đàn, đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương đã làm việc và trao đổi với Đoàn lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI tiêu biểu tại Việt Nam, cùng đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và lãnh đạo các địa phương của Việt Nam.
Các cuộc thảo luận cũng tập trung vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc; nhận định, đánh giá tác động của bối cảnh thế giới mới đến chuỗi cung ứng của doanh nghiệp; Chiến lược trong thời gian tới của doanh nghiệp tại Việt Nam. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và thúc đẩy thu hút các dự án FDI mới.
Tạo môi trường lành mạnh và có tính dự báo
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương chia sẻ về vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực FDI.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương chia sẻ, thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực FDI luôn được coi là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế.
Trong đó, quan điểm nâng cao chất lượng đầu tư của các doanh nghiệp FDI như hiệu quả công nghệ hay môi trường sẽ được quan tâm và chú trọng hơn trước, thay vì số lượng.
"Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực FDI luôn được coi là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế"
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương
Việt Nam luôn nhất quán thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính mạnh mẽ đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng của kết cấu hạ tầng ở nguồn nhân lực.
Hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và đóng góp của khu vực kinh tế FDI, đồng thời kết nối các góc nhìn, ý kiến từ các đơn vị làm chính sách, các đơn vị quốc tế, doanh nghiệp, diễn đàn tập trung vào 3 nhóm chủ thể chính là khu vực doanh nghiệp FDI, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Trần Thị Hồng Minh chia sẻ, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn có sức hút lớn khi bối cảnh kinh tế thế giới nhiều thách thức.
Các cuộc thảo luận tập trung vào các vấn đề chính như cục diện thế giới mới, những thay đổi về chuỗi cung ứng và xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam; Chủ trương, định hướng và chính sách của Việt Nam về chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới: Vai trò của khu vực FDI trong mối tương quan và liên kết chặt chẽ, hiệu quả với các khu vực kinh tế trong nước; Gia tăng sự hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cũng như giải pháp tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng FDI;...
Phiên tham luận có sự tham gia và chia sẻ của lãnh đạo Bộ Tài chính với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả thu hút FDI và hoạt động của khu vực kinh tế FDI trong bối cảnh mới: Giải pháp chiến lược trong thời gian tới”, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường với chủ đề "Thu hút FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường và những định hướng trong giai đoạn mới" và đại diện doanh nghiệp với chủ đề “FDI chiến lược cho kỷ nguyên mới của Việt Nam: Từ nơi đón vốn đầu tư đến hệ sinh thái chiến lược".
Trong khuôn khổ Diễn đàn năm 2025, các doanh nghiệp FDI tiêu biểu cũng đã được vinh danh tại Giải thưởng Rồng Vàng 2025-Golden Dragon Awards 2025. Giải thưởng Rồng Vàng 2025 công bố và vinh danh các doanh nghiệp FDI tiêu biểu ở 6 nhóm ngành bao gồm: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghệ số và dịch vụ số; dịch vụ tài chính và bảo hiểm; phát triển hạ tầng, khu công nghiệp và bất động sản; giáo dục và chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống.
nhandan.vn