Truy cập nội dung luôn

Thái Nguyên: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương

UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV 

Kế hoạch tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức quán triệt, phổ biến, truyền thông về nội dung, quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp; phối hợp rà soát, xác định nội dung tại các điều, khoản, điểm của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương để đề xuất điều chỉnh thống nhất; đề xuất nội dung văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương đối với một số vấn đề ưu tiên, cấp bách về phân quyền, phân cấp; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo kế hoạch sẽ tổ chức quán triệt, phổ biến, truyền thông về nội dung, quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp

UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phối hợp triển khai thực hiện tốt Kế hoạch, đảm bảo đúng tiến độ thời gian.

Kế hoạch nhằm đảm bảo việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương được nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp trên cơ sở nguyên tắc phân định thẩm quyền được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương; chủ động nghiên cứu đề xuất các lĩnh vực ưu tiên, cấp bách để đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tạo hành lang pháp lý, kịp thời xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tham mưu đề xuất thực hiện các nội dung về phân cấp, ủy quyền theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội khóa XV, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2025. Luật gồm 07 chương, 50 điều, giảm 01 chương và 93 điều so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019; sẽ tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ "điểm nghẽn về thể chế, chính sách" nhằm thực hiện được ngay các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; “cấp nào giải quyết hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó”.
Kim Oanh
thainguyen.gov.vn