Truy cập nội dung luôn

Nâng cao ứng dụng sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và chuyển đổi số cho cho các chủ thể sản xuất - kinh doanh chè

Trong 2 ngày (11-12/4), tại UBND xã Phúc Xuân, Công ty TNHH Phát triển doanh nghiệp NTD phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và UBND xã Phúc Xuân tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, chuyển đổi số cho gần 140 học viên đại diện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất chè trên địa bàn xã Phúc Xuân và xã Phúc Hà (TP. Thái Nguyên).

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn

Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký vào ngày 20/9/2007. Việc được chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” đã khẳng định giá trị đặc thù, chất lượng vượt trội, danh tiếng lâu đời của sản phẩm chè vùng Tân Cương. Trải qua gần 18 năm được bảo hộ, chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” không ngừng được mở rộng, được tổ chức quản lý bài bản, hiệu quả. Đặc biệt, vào ngày 01/8/2020, “Tân Cương” đã vinh dự là 1 trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ theo Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Đến ngày 14/02/2023, “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Có thể thấy giá trị của một sản phẩm có chỉ dẫn địa lý không chỉ đến từ lịch sử và danh tiếng, mà còn phụ thuộc vào cách hiểu, gìn giữ và phát huy giá trị ấy. Việc phát triển bền vững chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” đòi hỏi phải có tư duy hiện đại, hành động đồng bộ và sự tham gia tích cực, trách nhiệm của từng cá nhân, từng tổ chức trong chuỗi giá trị chè.

Lãnh đạo Phòng Quản lý chuyên ngành (Sở Khoa học và Công nghệ) hướng dẫn về bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý 

Trong chương trình tập huấn, các học viên được các cán bộ quản lý, các chuyên gia chia sẻ những nội dung gồm: Giới thiệu về chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”; tổng quan về sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quy định về quản lý, sử dụng, bảo vệ và phát triển chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”. Cùng với đó, các chuyên gia cũng hướng dẫn ghi nhãn hàng hoá, đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn, mã số mã vạch cho sản phẩm chè; xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2018, Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018; hướng dẫn chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chè.

Hội nghị tập huấn có sự tham gia của gần 140 chủ thể sản xuất - kinh doanh chè tại 2 xã Phúc Xuân và Phúc Hà (TP. Thái Nguyên)  

Hội nghị tập huấn là một trong những nội dung trọng tâm của Dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh: Áp dụng đồng bộ công cụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng kết hợp chuyển đổi số để phát huy giá trị của chỉ dẫn địa lý "Tân Cương" gắn với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương". Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và chuyển đổi số vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Sau khi kết thúc nội dung lý thuyết, các học viên sẽ được các chuyên gia hướng dẫn thực hiện cụ thể tại các cơ sở trên địa bàn xã Phúc Xuân và Phúc Hà.  

Thanh Tâm
thainguyen.gov.vn