Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT

 

Đệ nhất danh trà: Nối dài con đường di sản - Kỳ 1: Trà Thái Nguyên nảy chồi và phát triển

2025-07-21 15:46:00.0

Hình thành và phát triển từ thế kỷ XIX, thương hiệu trà Thái Nguyên được ghi nhận là thương hiệu trà lâu đời nhất cả nước. Từ ông tổ nghề chè - Ông nghè Nguyễn Đình Tuân hay ông Đội Năm Vũ Văn Hiệt, các con cháu đời sau đã cần mẫn trên từng thửa đất, từng nương chè trải dài khắp Tân Cương, Minh Lập, Trại Cài, Khe Cốc, La Bằng, Tức Tranh…

Đồi chè Cầu Đá, xã La Bằng, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Trịnh Việt Hùng)

Từ những mầm chè đầu tiên

“Thái Nguyên đệ nhất danh trà

Nước xanh như cốm đậm đà tình quê

Dẫu xa ngàn dặm sơn khê

Hương thơm quấn quýt lối về đường đi...”

Đó là những vần thơ mà cố Tổng Bí Thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dành tặng miền đất “Đệ nhất danh trà” trong chuyến công tác năm 2023. Từ những mầm trà đầu tiên được mang về đất “Thái”, sống cùng thổ nhưỡng, khí hậu, bàn tay và tình yêu của đất và người Bắc Thái. Trà Thái Nguyên đã trở thành thương hiệu vang xa khắp đất nước, vượt ngoài biên giới trong hành trình trăm năm phát triển và hành trình ấy chắc chắn sẽ nối dài mãi.

Hình thành và phát triển từ thế kỷ XIX, thương hiệu trà Thái Nguyên được ghi nhận là thương hiệu trà lâu đời nhất cả nước. Từ ông tổ nghề chè - Ông nghè Nguyễn Đình Tuân hay ông Đội Năm (Vũ Văn Hiệt), các con cháu đời sau đã cần mẫn trên từng thửa đất, từng nương chè trải dài khắp Tân Cương, Minh Lập, Trại Cài, Khe Cốc, La Bằng, Tức Tranh… Từ những giống chè thuần mộc nguyên thủy đã có thêm nhiều giống chè quý, ngày một đa dạng như: Chè Bạch Hạc (còn gọi là chè hạt), chè Bát Tiên, chè lai LDP1, LDP2, TRI 777, chè Tô Hiệu, Hoa Nhật Kim, Hùng Đình Bạch, Phúc Thọ Mười, Keo Am Tích, Phúc Văn Tiên... cơ man nào là tinh hoa trà.

Xét sâu vào lịch sử còn có quần thể chè cổ thụ Núi Bóng (xã Đức Lương), nằm ở độ cao từ 600 m đến 800 m so với mực nước biển, khu vực này hiện có khoảng 30 cây chè cổ thụ, đường kính gốc khoảng 30 - 40 cm, cao từ 25 - 30 m, được cho là đã tồn tại từ sau thời nhà Mạc (khoảng thế kỷ XVII).

Khi thưởng thức những chén trà Thái Nguyên, thực khách không chỉ được cảm nhận hương vị của nhiều lớp trầm tích văn hóa lắng sâu cùng thế kỷ qua màu trà óng vàng phảng phất hương thơm của cốm non, vị ngọt hậu nơi cuống lưỡi mà còn được hưởng vô vàn những lợi ích khác cho sức khỏe trong phòng chống các bệnh về máu, tim mạch, đường tiêu hóa, đường hô hấp... Chính lẽ đó, trà nói chung và trà Thái Nguyên nói riêng luôn lưu hương và tô đậm trong tiềm thức của mỗi người Việt, mỗi nếp nhà.

 Mô hình Hợp tác xã (HTX) chè hữu cơ - Nâng chất lượng trà lên tầm cao mới

Mỗi vùng chè gắn với một làng nghề, lớp người sau kế tục lớp người trước. Những người trồng chè đã trở thành những nghệ nhân thực thụ để phát triển cây chè cho gia đình, cho vùng chè ngày một chất lượng hơn. Với sự phát triển kinh tế của đất nước, những năm gần đây, các hộ gia đình trồng chè ở Thái Nguyên đã rất thức thời trong học hỏi, cải thiện mô hình, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè. Hiện mô hình HTX chè đang là mô hình mang lại tính ưu việt cao, tạo nên sức mạnh của đại đoàn kết trong tổ chức sản xuất kinh doanh, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Ông Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên giới thiệu với du khách về quy trình sản xuất, chế biến chè. (Ảnh: Thanh Mai)

Chia sẻ về ưu điểm của mô hình HTX, ông Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên cho biết: Trước đây, với mô hình quy mô hộ gia đình và nhóm hộ gia đình, việc trồng chè cơ bản theo hướng tự phát. Các hộ gia đình mới dừng lại ở mức độ trồng chè an toàn. Đến khi được tập huấn về mô hình HTX, tư duy của người dân dần thay đổi theo hướng sản xuất chè chất lượng cao. Bên cạnh đó, các xã viên được tham gia nhiều buổi tập huấn về kỹ thuật thâm canh, quy trình sản xuất chè VietGAP và gắn mã vùng trồng. Khi nắm bắt được nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước về tiêu dùng chè an toàn thực phẩm, HTX làm theo quy trình chè hữu cơ. Sở Nông nghiệp và Môi trường đã hỗ trợ sản xuất chè hữu cơ và được chứng nhận chè hữu cơ.

Ông Bùi Trọng Đại thông tin thêm: Phương pháp canh tác hữu cơ sử dụng hoàn toàn 100% phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học thảo mộc, thân thiện môi trường, an toàn với con người. Chính nhờ phương pháp canh tác sạch mà HTX tự tin quảng bá với du khách trong và ngoài nước, để du khách trực tiếp trải nghiệm việc chăm sóc, thu hái, thưởng thức trà trong các tour du lịch cộng đồng tại HTX.  

Những năm qua, sản xuất hữu cơ trở thành xu hướng chung của các HTX trà Thái Nguyên. HTX Trà an toàn Phú Đô là đơn vị xác định lựa chọn sản xuất hữu cơ, sản xuất xanh ngay từ trước khi thành lập. Cùng với đó, vào tháng 02/2022, HTX Trà an toàn Phú Đô đã áp dụng có hiệu quả những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ tư vào trồng và chế biến trà. Cụ thể là ứng dụng chuyển đổi số nhật ký điện tử vào sản xuất chè, ứng dụng công nghệ khí hoá sinh khối vào chế biến trà, sản xuất than sinh học từ phế phụ phẩm nông lâm vào sản xuất phân bón hữu cơ.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Trà an toàn Phú Đô nói về kết quả đáng mừng khi HTX mình canh tác trà sạch, chất lượng cao: “Với diện tích sản xuất chè ngày mới thành lập năm 2022 là 2,83 ha đến năm 2024 đã tăng lên 27,2 ha, có 36 hộ thành viên và liên kết. Sản lượng, chất lượng, giá trị các sản phẩm trà tăng qua từng năm, cụ thể: Sản lượng trà tăng trung bình từ 10-30%, giá trị sản phẩm từ 200.000 đồng/1kg trà năm 2022, lên 430.000 đồng/kg năm 2024. Đến nay, sản phẩm trà tôm nõn Hoàng Gia đã vinh dự đoạt giải đồng quốc tế. Sản phẩm này có giá trị kinh tế cao với giá bán 990.000 đồng/1kg chưa bao gồm VAT và phí vận chuyển.”

Bên cạnh đó, năm 2024, HTX trà Phú Đô là đơn vị duy nhất của ngành chè Việt Nam nhận giải thưởng “Vua chuyển đổi số nông nghiệp” lần thứ nhất và “Top công nghiệp 4.0 Việt Nam” lần thứ ba. Đó là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực vượt khó của tập thể đơn vị trong thời kỳ hậu Covid-19 cũng như địa bàn hoạt động chủ yếu là đồng bào người dân tộc.

 

           Nương chè hữu cơ tại HTX Trà an toàn Phú Đô

Nhờ từng bước cải thiện chất lượng, sản lượng và giá trị của các sản phẩm trà mà đời sống vật chất và tinh thần của bà con làm trà trong HTX Phú Đô được nâng lên rõ rệt. Ông Hoàng Văn Hồng, dân tộc Mông vui mừng cho biết: “Trước đây, khi chưa có HTX, gia đình tôi rất lúng túng trong việc trồng và tiêu thụ chè. Sau khi 2 vợ chồng tham gia HTX, đời sống được ổn định với thu nhập từ 4 - 5,5 triệu đồng/người/tháng, yên tâm trong sinh hoạt và nuôi các con ăn học”.

Chất lượng được khách hàng đánh giá cao, đồng nghĩa giá trị sản phẩm, giá trị thương hiệu, giá trị đời sống… sẽ được nâng lên. Xu hướng tiêu dùng của khách hàng hiện nay và trong tương lai sẽ là lựa chọn thực phẩm nói chung, trong đó có trà an toàn, chất lượng, giữa lúc thực phẩm sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa khi nào trở thành vấn đề nhức nhối, được quan tâm nhiều như hiện nay.

(Còn nữa)

* Tác phẩm tham gia Cuộc thi viết “Trăm năm đệ nhất danh trà”

CTV Thúy Quỳnh
thainguyen.gov.vn

VIDEO

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 12933

TRANG THÔNG TIN CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH THÁI NGUYÊN

Trưởng ban biên tập: Đ/c Nguyễn Tá – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 728, đường Lương Ngọc Quyến, tổ 1, phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 02083.857.965 - Email: ccttbvtv@thainguyen.gov.vn