Chuyển xe xăng sang xe điện: Cần kế hoạch đúng, chính sách cụ thể
2025-07-21 22:52:00.0
Người dân cần được giải thích rõ để bớt lo âu
Tại Tọa đàm “Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau” do Báo Tiền phong tổ chức ngày 21/7, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi xe máy từ sử dụng xăng sang xe điện tại Hà Nội hiện gặp không ít khó khăn nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội. Thế nhưng, “cơ hội sẽ mãi là cơ hội nếu không có kế hoạch đúng và chính sách cụ thể để hiện thực hóa”, ông Tùng nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Dương Tùng, người dân rất cần được giải thích rõ về mục tiêu, lộ trình và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe xăng sang xe điện để bớt đi sự lo ngại. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Theo ông Tùng, người dân rất cần được giải thích rõ về mục tiêu, lộ trình và chính sách hỗ trợ để bớt đi sự lo ngại, đồng thời nhìn thấy những lợi ích thiết thực mà xe điện mang lại, từ tiện ích công nghệ đến chi phí vận hành thấp.
“Chuyển đổi là một trách nhiệm chung, không chỉ của chính quyền, doanh nghiệp mà còn của cả người dân vì một Hà Nội sáng - xanh - sạch - đẹp. Không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Tùng nói.
TS Hoàng Dương Tùng cũng cho rằng, Hà Nội có đủ điều kiện để đi đầu trong công tác chuyển đổi, nhất là khi có lợi thế về Luật Thủ đô. “Cái gì làm được ngay trong năm 2025-2026 thì phải thực hiện ngay”. Theo ông Tùng, công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng cần được nâng cao, tránh để người dân rơi vào trạng thái mơ hồ, thiếu thông tin chính thống. Ngoài ra, các quy định về trạm sạc, đổi pin, giảm phương tiện cá nhân cũng cần được chuẩn bị kỹ càng để các doanh nghiệp có cơ sở triển khai.
Cần chính sách công khai, hỗ trợ người dân trải nghiệm thực tế
Cùng quan điểm đó, PGS.TS Nguyễn Đức Lượng, Trưởng khoa Kỹ thuật Môi trường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) nhấn mạnh: “Việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện không phải là điều mới lạ, nhiều quốc gia đã và đang làm rất thành công. Nhưng điều quan trọng là phải có lộ trình rõ ràng, lựa chọn đối tượng ưu tiên phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương”.
Chuyển đổi xe xăng sang xe điện phải có lộ trình rõ ràng, lựa chọn đối tượng ưu tiên phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Ảnh: Minh Hoàng.
Ông Lượng dẫn chứng các mô hình điển hình từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia - những nước có điều kiện kinh tế, tỷ lệ xe hai bánh và cấu trúc đô thị tương đồng với Việt Nam. Đặc biệt, các quốc gia này đều triển khai đồng thời chính sách trợ giá, phát triển công nghiệp pin và trạm sạc, cũng như miễn, giảm thuế để khuyến khích người dân sử dụng xe điện.
“Từ những kinh nghiệm đó, Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức hoạt động lái thử, công bố lộ trình chuyển đổi minh bạch, hỗ trợ nhóm yếu thế và đầu tư hạ tầng sạc - đổi pin đồng bộ, thì mới đảm bảo tính khả thi”, ông Lượng khẳng định.
Tận dụng hệ thống cây xăng để phát triển trạm sạc
PGS.TS Hoàng Anh Lê, Trưởng Bộ môn Quản lý Môi trường (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh rằng, để quá trình chuyển đổi phương tiện cá nhân từ xăng sang điện diễn ra hiệu quả, cần tiếp cận đa chiều, không chỉ từ góc độ chính sách hành chính mà còn từ kỹ thuật, xã hội và đặc biệt là yếu tố an toàn, tiện ích đối với người dân.
PGS.TS Hoàng Anh Lê đề xuất tận dụng hệ thống cây xăng để phát triển trạm sạc xe điện. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Theo ông Lê, thay vì tập trung dàn trải phát triển trạm sạc tại từng hộ gia đình - nơi vốn gặp nhiều khó khăn trong khu vực đô thị đông dân cư thì nên đẩy mạnh mô hình đổi pin nhanh. “Nếu các hãng xe điện thống nhất thiết kế pin theo chuẩn chung, cho phép người dùng chỉ mất vài phút để thay pin, thì hành vi sử dụng sẽ không khác nhiều so với việc đổ xăng như hiện nay. Đó là một bước đột phá về tiện lợi”, ông Lê nhận định.
Đáng chú ý, ông Lê đề xuất cần tận dụng ngay hệ thống cây xăng hiện hữu trên địa bàn, những địa điểm vốn đã có hạ tầng, hệ thống an toàn phòng cháy chữa cháy, nhân lực và mặt bằng để chuyển đổi một phần công năng thành trạm sạc hoặc điểm đổi pin. “Việc này sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng mới, đồng thời giảm áp lực quy hoạch lại không gian đô thị vốn đã chật chội ở các quận trung tâm”, ông Lê nói.
Ngoài ra, để thành công, PGS.TS Hoàng Anh Lê nhấn mạnh vai trò của việc phối hợp liên ngành, từ Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đến các địa phương nhằm bảo đảm quy hoạch hạ tầng gắn liền với chuyển đổi giao thông và đô thị xanh.
“Quan trọng nhất, người dân phải hiểu rõ rằng chính sách chuyển đổi không phải để gây khó khăn, mà để mang lại lợi ích thiết thực cho chính họ. Khi nhận thức đó được hình thành, người dân sẽ chủ động thay đổi hành vi, và lúc đó vai trò của chính quyền sẽ chuyển từ quản lý hành chính sang hỗ trợ và hướng dẫn cộng đồng tự quản lý môi trường sống của mình”, ông Lê khẳng định.
nongnghiepmoitruong.vn