Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT

 

Chạm đến trái tim hàng triệu đồng bào DTTS

2025-05-19 14:37:00.0

Trong phát biểu mang tính định hướng chiến lược, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở chủ trương tiến tới miễn viện phí cho người dân. Chính sách này, cùng với lộ trình miễn học phí bậc phổ thông đang được triển khai, góp phần tạo nền tảng vững chắc để mọi công dân được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Đây là bước đi quan trọng hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, phát triển bền vững, trong đó không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Bài 1: Tiếng nói từ thực tiễn

Giảm địa bàn đặc biệt khó khăn là chỉ tiêu trong các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhưng khi địa phương thoát nghèo, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS mua bảo hiểm y tế sẽ hết hiệu lực, đồng nghĩa gánh nặng tài chính sẽ tăng lên nhiều gia đình khó khăn chẳng may đau ốm, bệnh tật.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở chủ trương tiến tới miễn viện phí cho người dân. Đây không chỉ thể hiện quyết tâm chăm lo sức khỏe toàn dân, mà còn là tuyên ngôn mạnh mẽ về bản chất nhân văn, vì con người của Đảng và Nhà nước.

 

Địa bàn thụ hưởng thường xuyên thay đổi

Với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: 2021-2025 tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719), địa bàn "lõi nghèo" của cả nước đã có những chuyến biến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, các tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế được phát huy đã góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS.

Trong Báo cáo số 169/BC-BDTTG ngày 30/3/2025, Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho biết, tại thời điểm Điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế-xã hội của 53 DTTS năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ở vùng đồng bào DTTS và miền núi là 13,92 triệu/người/năm. Đến thời điểm báo cáo (tháng 3/2025), thu nhập bình quân toàn vùng đã tăng gấp 3,1 lần (tương ứng khoảng 43,1 triệu đồng/người/năm); dự kiến hết năm 2025 sẽ tăng gấp 3,3 lần, tương ứng gần 46 triệu đồng/người/năm.

Cùng với thu nhập của người dân tăng lên thì địa bàn đặc biệt khó khăn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng giảm. Tính riêng xã khu vực III, đến hết tháng 4/2024, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có thêm khoảng 100 xã về khu vực I khi đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhiều địa bàn thoát khỏi tình trạng nghèo cho thấy hiệu quả của các chính sách đầu tư, hỗ trợ, nhưng đồng thời cũng tạo áp lực cho việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn dân khi nhiều hộ DTTS đời sống còn nhiều khó khăn sẽ không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế (BHYT).

Địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng thu hẹp.

Minh chứng rõ nhất là sau khi có Quyết định số 861/QĐ-TTg, từ tháng 7/2021, cả nước có khoảng 3,1 triệu người trước đây được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT, thì nay do địa phương đã thoát nghèo, nên không được hưởng chế độ đó nữa. Trong đó có khoảng 2,65 triệu người là đồng bào DTTS, phần lớn chưa có điều kiện tự tham gia BHYT.

Để chính sách không bị ngắt quãng, kịp thời hỗ trợ các đối tượng yếu thế, ngày 19/10/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Theo đó, đồng bào DTTS sinh sống ở địa bàn vừa thoát nghèo tiếp tục được hỗ trợ mua BHYT, với định mức tối thiểu 70%.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ chỉ có hiệu lực 36 tháng, tính từ ngày nghị định có hiệu lực (ngày 3/12/2023). Sau thời gian trên, đồng bào DTTS ở những địa bàn đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn phải tự tham gia BHYT, hoặc được hỗ trợ từ một chính sách khác (nếu có).

Gánh nặng tài chính

BHYT là một trong những "trụ cột" của hệ thống chính sách an sinh xã hội. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hiện mức chi trả BHYT và danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được Quỹ BHYT ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh BHYT. Nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh ung thư cũng được đưa vào danh mục chi trả của BHYT.

Nhưng như đã nêu ở trên, từ năm 2021, dưới tác động của Quyết định 861/QĐ-TTg, có khoảng 2,65 triệu người là đồng bào DTTS ở các địa bàn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn đã thôi hưởng chính sách hỗ trợ mua BHYT, trong đó phần lớn chưa có điều kiện tự tham gia. Từ tháng 12/2023 đến nay, mặc dù tiếp tục được hỗ trợ 70% mức đóng theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, nhưng với 30% còn lại không phải ai cũng có thể tự đóng được.

Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân là đầu tư cho sự phát triển của đất nước.

Từng có trường hợp một lao động tự do quê ở Ba Bể (Bắc Kạn), thu nhập bấp bênh, chẳng may bị biến chứng sốc nhiễm trùng, suy hô hấp nặng, phải lọc máu và đặt ECMO (tim phổi nhân tạo). Không có BHYT, với chi phí điều trị lọc máu 15 triệu đồng/lượt, đặt máy ECMO hơn 100 triệu đồng, gia đình lâm vào bế tắc. Không thể xoay sở tài chính, bệnh nhân đành phải về nhà, đặt cược vào số phận.

Không chỉ với những trường hợp nặng mà với nhiều người DTTS ở vùng sâu, vùng xa, khi chẳng may đau ốm, bệnh tật, việc không có BHYT khiến chi phí điều trị là cả một gánh nặng không hề nhẹ. Khảo sát cho thấy, nếu khám, chữa bệnh bình thường, phải nằm viện từ 5-7 ngày thì người bệnh cũng phải chi phí từ 2-3 triệu đồng; còn nếu phẫu thuật, can thiệp y khoa kỹ thuật cao tối thiểu cũng không dưới 10 triệu đồng.

Đó là chưa kể hiện Quỹ BHYT dù đã được mở rộng, nhưng một số danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật không được chi trả, hoặc chỉ chi trả một phần. Như chia sẻ của một bệnh nhân đang điều trị ung thư phổi di căn vào gan và xương tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), phác đồ sử dụng thuốc miễn dịch cho một lần điều trị là 70 triệu đồng/tháng; chưa kể chi phí xét nghiệm, xạ trị, hóa trị, tiền giường bệnh và chi phí dinh dưỡng nên gia đình đã phải bán nhà ở quê (huyện Nho Quan, Ninh Bình) mới có đủ tiền điều trị đúng liệu trình.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, viện phí và học phí chiếm 30-35% tổng chi tiêu của các hộ gia đình nghèo tại Việt Nam. Trong khi đó, theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, bình quân Quỹ BHYT chi trả từ 87-89% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT và người tham gia BHYT có trách nhiệm đồng chi trả từ 11-13%. Như vậy, nếu thực hiện được việc miễn viện phí sẽ xóa bỏ gánh nặng tài chính, giúp người dân, nhất là đồng bào DTTS được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản.

Ngày 25/4/2025, Văn phòng Trung ương Đảng đã có Thông báo 176-TB/VPTW ngày 25/4/2025 về Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và định hướng công tác thời gian tới. Trong Thông báo, Tổng Bí thư khẳng định: Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội, là nền tảng quan trọng nhất cho hạnh phúc của mọi người và sự phát triển của quốc gia. Vì vậy, đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân là đầu tư cho sự phát triển của đất nước.

Vì vậy, Tổng Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030-2035. Chỉ đạo của Tổng Bí thư là mục tiêu và thực tế hiện nay chúng ta đang đi đúng lộ trình là tiến tới BHYT toàn dân; tiến tới miễn viện phí và mọi người dân đều có thẻ BHYT để được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng dịch vụ khám chữa bệnh.

Còn tiếp…


chinhphu.vn

VIDEO

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 11882

TRANG THÔNG TIN CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH THÁI NGUYÊN

Trưởng ban biên tập: Đ/c Nguyễn Tá – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 728, đường Lương Ngọc Quyến, tổ 1, phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 02083.857.965 - Email: ccttbvtv@thainguyen.gov.vn