Giữ hồn đảo bằng du lịch xanh
2025-07-08 22:58:00.0
Rác thải “chặn đường” du lịch
Với cảnh sắc hoang sơ, rạn san hô nguyên vẹn và hệ sinh thái biển đảo độc đáo, Côn Đảo từng được ví như “thiên đường nghỉ dưỡng tự nhiên cuối cùng” của Việt Nam. Thế nhưng, vẻ đẹp ấy đã từng bị đe dọa một cách âm thầm nhưng rõ rệt. Thủ phạm là rác!
Giai đoạn 2022-2023, Côn Đảo đón trung bình từ 450.000 đến 500.000 lượt khách mỗi năm, gấp gần 5 lần dân số thường trú của huyện đảo. Mỗi ngày, có hơn 1.000 lượt khách đổ bộ qua sân bay và cảng Bến Đầm, mang theo sự nhộn nhịp và đương nhiên cả… rác.
Khắp Côn Đảo, nhiều mô hình và hoạt động cụ thể được triển khai đồng loạt, giúp "nhắc nhở" du khách và người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ảnh: Lê Bình.
Số liệu từ UBND đặc khu Côn Đảo cho thấy, mỗi ngày có khoảng 25-27 tấn rác sinh hoạt phát sinh, trong đó từ 4-4,3 tấn là rác thải nhựa, tương đương hơn 1.500 tấn nhựa mỗi năm. Phần lớn đến từ các sản phẩm dùng một lần phục vụ du khách: chai nước, túi nilon, ly nhựa, ống hút, khay xốp...
Không dừng lại ở đó, các dịp cao điểm lễ hội như giỗ Bà Phi Yến, rằm tháng Bảy, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 hay Tết Nguyên đán, Côn Đảo đón tới 20.000-25.000 lượt khách chỉ trong vài ngày. Chỉ tính riêng khu vực nghĩa trang Hàng Dương đã phát sinh tới 500-700 kg rác nhựa trong một đêm, chủ yếu từ đồ lễ, nước đóng chai, túi gói hoa quả, khay xốp và vật phẩm đốt không phân hủy.
Ông Trần Thanh Huyền, Phó Chủ tịch UBND đặc khu Côn Đảo thừa nhận: Khó khăn lớn nhất là toàn bộ huyện chỉ có một bãi rác duy nhất, rộng 3.800 m², đã hoạt động từ năm 1985 và hiện tồn đọng gần 100.000 tấn rác chưa xử lý. Rác sinh hoạt, dù có được phân loại hay không, cũng chỉ có thể đốt lộ thiên hoặc chôn lấp tạm thời. Nhiều thời điểm, gió đảo đưa mùi khét của rác cháy lan ra tận khu dân cư và khu nghỉ dưỡng.
“Việc vận chuyển rác vào đất liền hầu như không khả thi: giá vận chuyển lên đến 1,2-1,5 triệu đồng/tấn, bao gồm phí tàu, container lạnh và xử lý. Nếu đưa toàn bộ rác nhựa phát sinh trong năm vào đất liền, con số có thể lên tới 6-7 tỷ đồng/năm, vượt khả năng ngân sách môi trường của địa phương”, ông Huyền phân tích.
Không chỉ rác từ du khách, rác đại dương cũng liên tục tấp vào bờ. Do vị trí địa lý nằm trong dòng chảy mạnh từ biển Đông, Côn Đảo thường xuyên đón nhận 1-2 tấn rác trôi dạt mỗi tuần trong mùa gió chướng, phần lớn là lưới ma, xốp công nghiệp, chai nhựa từ các quốc gia lân cận.
Dù được trục vớt liên tục nhưng theo ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, lượng rác khổng lồ vẫn tấn công các bãi biển, rạn san hô nơi đây. “Có những thời điểm, các bãi biển từng nổi tiếng như An Hải, Bãi Nhát, Đầm Trầu… phải đóng cửa tạm vì rác quá dày”, ông Pho thông tin.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo phải thường xuyên thu gom rác thải đại dương tại các rạn san hô để giảm ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng loài. Ảnh: Nguyễn Văn Vững.
Thậm chí, nhiều khách du lịch quốc tế đã phản ánh trên nền tảng du lịch TripAdvisor rằng: “Côn Đảo đẹp nhưng rác nhựa khiến trải nghiệm không trọn vẹn”. Một số tour lặn ngắm san hô buộc phải hủy vì biển đục, rác treo vào san hô hoặc trôi lập lờ giữa bãi lặn.
Nguy cơ mất hình ảnh rõ ràng hơn bao giờ hết. Nếu không kiểm soát, đảo không chỉ đánh mất “màu xanh” mà còn đánh mất “điểm đến”. Chính quyền địa phương hiểu rõ: không ai quay lại một nơi đẹp nhưng đầy rác.
Từ đó, năm 2022, Côn Đảo chính thức chuyển mình. Thay vì chạy theo số lượng khách, huyện xác định rõ: du lịch phải gắn với bảo tồn, phải “xanh” từ gốc và muốn làm du lịch xanh thì phải giải quyết được rác thải nhựa.
Toàn ngành cùng cam kết chuyển mình
Đứng trước nguy cơ ấy, từ cuối năm 2022, UBND huyện Côn Đảo (khi ấy) đã phát động chương trình “Du lịch giảm nhựa”, hướng đến xây dựng mô hình phát triển du lịch xanh, bền vững và có trách nhiệm với môi trường. Điều đặc biệt là chương trình không chỉ dừng ở lời kêu gọi, mà chuyển hóa thành hành động cụ thể, với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.
Toàn bộ 145 cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ, homestay trên địa bàn đều đã ký cam kết tham gia chương trình. Nhiều đơn vị đã chủ động thay thế toàn bộ chai nước nhựa bằng bình lọc RO, đổi bộ kit cá nhân sang chất liệu giấy, sử dụng ly thủy tinh thay cho ly nhựa dùng một lần. Một số nơi còn cắt giảm đồ vệ sinh cá nhân đóng gói sẵn, thay vào đó khuyến khích khách mang theo vật dụng riêng để giảm phát thải.
Các điểm du lịch không chỉ là điểm đến vui chơi mà còn là nơi truyền cảm hứng cho du khách, người dân về hạn chế sử dụng rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Ảnh: Lê Bình.
Không chỉ thay đổi trong cơ sở vật chất, các cơ sở lưu trú còn tích cực truyền thông cho du khách. Mỗi phòng đều có sổ tay “hành trình xanh” hướng dẫn hành vi thân thiện môi trường: từ phân loại rác trong phòng, hạn chế sử dụng đồ nhựa, đến ứng xử có trách nhiệm tại các điểm tham quan.
Tại các điểm di tích lịch sử, nơi từng phát sinh nhiều rác nhựa vào mùa lễ hội, mô hình “5 không” đã được áp dụng: không túi nilon, không chai nhựa, không khay xốp, không ống hút, không đồ nhựa dùng một lần. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và tạo đồng thuận từ người dân, các lễ viếng, lễ tưởng niệm tại Côn Đảo những năm gần đây đã trở nên trang nghiêm và sạch đẹp hơn, không còn cảnh đồ cúng vương vãi hay túi nilon rơi rớt khắp nơi.
Ngành hàng không cũng tham gia tích cực. Vietnam Airlines, phối hợp với hãng hàng không Vasco và chính quyền huyện, đã tổ chức chiến dịch “Bay nhẹ tới Côn Đảo”, thu gom hàng trăm kg rác nhựa từ hành khách để tái chế, đồng thời tuyên truyền thông điệp bảo vệ môi trường ngay từ trên máy bay.
Không ít doanh nghiệp lữ hành bắt đầu thiết kế tour trải nghiệm sinh thái, như trekking trong rừng nguyên sinh, thả rùa con về biển, lặn ngắm san hô có hướng dẫn viên bảo tồn đi kèm. Một số tour khai thác chủ đề “du lịch không nhựa”, mang lại cảm giác du lịch có trách nhiệm, hướng đến nhóm khách cao cấp và du khách quốc tế yêu thích sinh thái.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP HCM (trước đây là Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã nhiều lần khẳng định sẽ phát triển Côn Đảo theo hướng chất lượng, không chạy theo số lượng, ưu tiên mô hình nghỉ dưỡng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và du lịch tâm linh, không mở rộng đô thị ồ ạt. Các chính sách đầu tư hạ tầng, giao thông, năng lượng cũng sẽ ưu tiên tiêu chí “xanh và sạch”, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon trong dài hạn.
Chiến dịch “Bay nhẹ tới Côn Đảo” được thực hiện mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân, du khách về hạn chế rác thải nhựa. Ảnh: UBND đặc khu Côn Đảo.
Hiệu quả ban đầu đã có. Nhiều du khách phản hồi tích cực khi được trải nghiệm một điểm đến sạch sẽ, yên bình, có hướng dẫn cụ thể để không làm tổn hại môi trường. Hình ảnh du khách đi chợ bằng túi vải, nhặt rác trên bãi biển cùng cư dân, hay cẩn thận phân loại rác trong phòng nghỉ đã dần trở nên quen thuộc.
Côn Đảo đang từng bước xây dựng cho mình một lợi thế khác biệt: du lịch không chỉ đẹp, mà còn có trách nhiệm. Trong bối cảnh nhiều điểm đến biển đảo khác đang loay hoay với bài toán rác thải và suy giảm sinh thái, lựa chọn “xanh hóa ngành du lịch” của Côn Đảo được xem là chiến lược thông minh, phù hợp với xu thế toàn cầu.
Du khách hiện đại, đặc biệt là nhóm trung lưu có ý thức và khách quốc tế, ngày càng quan tâm đến yếu tố môi trường trong mỗi hành trình. Một bãi biển sạch, một phòng nghỉ không nhựa, một tour có dấu ấn bảo tồn… tất cả đều góp phần nâng tầm trải nghiệm. Và chính những điều tưởng như nhỏ ấy đang làm nên sự khác biệt cho Côn Đảo.
Hành trình còn dài, còn nhiều khó khăn phía trước. Nhưng với cách làm kiên trì, minh bạch và sự vào cuộc từ nhiều phía, Côn Đảo đang chứng minh rằng, “làm du lịch” không đồng nghĩa với làm tổn thương thiên nhiên. Trái lại, thiên nhiên nếu được tôn trọng và gìn giữ, có thể trở thành lợi thế bền vững nhất cho ngành công nghiệp không khói.
nongnghiepmoitruong.vn