Trà Thái Nguyên: Từ hương đất vươn tầm quốc tế - Kỳ 1: Hái sương, sao lửa, giữ hương đất trời
2025-07-08 17:24:00.0
Thao thức với chè…
Chúng tôi tình cờ gặp nghệ nhân Đỗ Thị Hiệp (xã Đại Phúc, tỉnh Thái Nguyên) không phải giữa đồi chè hay bên chảo gang đỏ lửa như bao lần, mà trong căn phòng nhỏ ở một bệnh viện tại Hà Nội. Bà đã ngoài 70, dáng vẻ hao gầy, sức khỏe đã giảm sút do phải điều trị bệnh. Ấy vậy mà ánh mắt vẫn ngời sáng khi ai đó nhắc đến… chè. Ánh nắng buổi sáng len lỏi ô cửa sổ mờ hơi sương, bà Hiệp hơi dựa đầu vào tường, ánh mắt dõi những tầng cây xa ngái. “Nếu là ngày thường, giờ này chắc tôi đang ở đồi chè rồi...” Giọng bà đều đều, êm êm như những con dốc thoai thoải của xứ chè. Bà bảo, những buổi sáng xa quê, lại trong hoàn cảnh thế này, sao nhớ quá hương chè trong sương, nhớ tiếng tay áo sột soạt, nhớ cả hơi ấm mặt đất ủ lòng bàn chân mà ai nấy vẫn cảm nhận được qua lớp dép mỏng. Thói quen nửa đời người, sớm thức dậy là nghĩ tới chè. “Chè như đã ngấm vào máu mình rồi” - lời bà rưng rưng nhưng nét mặt vẫn bình thản, nhẹ nhõm.
Nghệ nhân Đỗ Thị Hiệp
“Tự nhiên, sáng nay tỉnh dậy, tôi lại nhớ đến những ngày ấy… Rồi bà kể, một sáng mồng Hai tết những năm 2015 - 2016, khi cả gia đình đang sum họp, cười nói bên ấm trà đầu xuân thì điện thoại của bà reo vang. Một cuộc gọi bất ngờ từ đảo xa, nơi những người lính Hải quân đang canh giữ biển trời Tổ quốc. Giọng những người lính trẻ vang lên qua sóng điện thoại chập chờn mà ấm áp lạ thường: “Cô ơi! trà của cô ngon lắm! đậm đà như lòng người chốn quê hương”; “Cô ơi! Cháu quê ở Hải Dương, nhưng bao giờ xuất ngũ cho cháu lên Thái Nguyên học nghề làm trà và biết đâu cháu lại được thành rể Thái Nguyên thì sao?”… Mỗi người lính trẻ đều góp một câu, cuộc chuyện trò xôn xao mà xúc động. Nhiều lần khác, cũng dịp giáp Tết, từ tận đồn Biên phòng Lũng Cú của tỉnh Hà Giang, những người lính lại gọi điện về: “Chị ơi! ấm trà pha đến nước thứ ba đã hết rồi mà vẫn đậm đà dư vị, lại thêm nhớ quê, nhớ đất, nhớ người”; “Những đứa em miền xa của chị hứa sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”…
Những chén trà đơn sơ nơi đầu sóng ngọn gió
Nghệ nhân Đỗ Thị Hiệp sinh năm 1954, gốc gác ở Đồng Hỷ, ven sông Cầu thơ mộng của Thái Nguyên. Bà kể, thuở nhỏ chưa từng nghĩ sẽ gắn bó cả đời với cây chè. Mãi đến năm 1975, sau khi về làm dâu tại xã Phúc Xuân (nay là xã Đại Phúc), bà mới bắt đầu bén duyên. Bà học nghề từ mẹ chồng - người phụ nữ gốc Nam Định theo chồng là người Thái Bình mưu sinh tận Quảng Ninh rồi lưu lạc lên đất Phúc Xuân từ những năm 1945, được người Thái Nguyên bao bọc, nhận làm con nuôi. Trải qua hành trình đầy tận tụy, bà Hiệp được công nhận là nghệ nhân nghề chè năm 2018. Vừa lao động, sản xuất, bà vừa truyền nghề cho bà con nông dân trong tỉnh nhà. Cho tới bây giờ, bà không thể tính được đã truyền dạy cho bao nhiêu người. Bà Hiệp đứng lớp dạy kỹ thuật chế biến chè cho nông dân từ năm 2003 với từng nhóm nhỏ cho tới các lớp quy mô tới 200 - 300 học viên.
“Không phải cứ ôm cái chảo gang mà ra được chè ngon đâu”, nghệ nhân Đỗ Thị Hiệp từng nói trước lớp học làm chè đông kín người. Truyền thống không có nghĩa là bảo thủ. Có những công đoạn trình diễn thì hay, nhưng không thể áp dụng vào sản xuất nếu không đạt yêu cầu kỹ thuật và thị trường. Đó là cách bà nhìn về sự phát triển của nghề - tỉnh táo, cầu thị nhưng không dễ dãi. Là nghệ nhân hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghề, bà hiểu sâu sắc rằng nếu không đổi mới, nghề chè sẽ khó phát triển, thậm chí mai một. Công nghệ, theo bà là một bước tiến giúp nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng thành phẩm mà không hề làm mất đi giá trị cốt lõi. Vấn đề nằm ở chỗ người làm nghề có giữ được hồn cốt trong từng mẻ chè hay không.
Kỹ thuật và không gian văn hóa đủ sâu
Gia đình bà Hiệp cũng như nhiều hộ dân địa phương đã bền bỉ với nghề qua bao biến động. Những luống chè như kéo dài từ thời cha ông đến thế hệ con cháu hôm nay. Ưu điểm của chè chính từ sức sống bền bỉ, khả năng chống chịu khắc nghiệt, càng thăng trầm càng thấm vị chát ngọt gian nan. Bởi lẽ đó, dù mở rộng sản xuất, các hộ gia đình thường vẫn giữ lại một diện tích nhất định để canh tác theo phương thức truyền thống. Các nghệ nhân cho rằng, muốn chè phát triển dài lâu, không chỉ cần “thiên thời”, “địa lợi” mà quan trọng còn ở yếu tố “nhân hòa”. Người trồng chè, làm chè phải có tâm, có tầm, và hơn cả, cần không gian văn hóa đủ sâu, đủ rộng để nghề truyền thống có thể kết nối với những ngành khác, từ đó hình thành những điểm đến du lịch sinh thái, văn hóa, đưa cây chè và các dòng sản phẩm trở thành linh hồn của cả vùng đất.
Nghệ nhân Đỗ Thị Hiệp tại Triển lãm trà quốc tế ở tỉnh An Huy, Trung Quốc năm 2023
Hạnh phúc của những nghệ nhân như bà Đỗ Thị Hiệp là có khi đêm đã khuya, vẫn còn những cuộc điện thoại của bà con hỏi kỹ lưỡng hơn các kỹ thuật, bí quyết, và rồi bà lại nhiệt thành chia sẻ. Lắm khi, hết cuộc chuyện trò, chợp mắt chút thì trời đã sáng. Nhiều học viên thắc mắc: “Cô chia sẻ cặn kẽ thế có sợ cạnh tranh hay mất đi nét độc đáo không?”, bà thẳng thắn đáp: “Nếu mỗi lớp học có 20% làm được như vậy thì chè Thái Nguyên sẽ được nâng tầm. Còn nếu 90% làm được, quê hương ta thực sự xứng danh miền đệ nhất danh trà!” Với các nghệ nhân ở Thái Nguyên, truyền nghề không bao giờ là sự mất đi, đó là giá trị của sự nhân lên, là gieo cái gốc vào lòng người, để từ đó, mỗi vụ chè đều có thể sinh ra những mẻ trà mang linh hồn của đất và bàn tay, tình cảm tận tụy của con người. Họ không giữ bí quyết như báu vật riêng. Chè phải là của cộng đồng, của từng làng, từng đồi, chứ không thể chỉ của riêng một người, một nhà.
Trong các lớp giảng dạy về nghề chè, các nghệ nhân dẫn dắt bằng trải nghiệm, quan sát và cả… cảm xúc. Từ việc lý giải tại sao búp chè khi hái cần đựng trong sọt tre nứa thay vì bao tải, túi nilon. Rằng bởi búp chè sau khi hái vẫn “thở”, vẫn hút carbon và nhả oxy, túi bít kín sẽ khiến chè “ôi ngốt”, ảnh hưởng tới hương thơm, màu nước, vị trà. Đúng “bài” thì chỉ riêng hái chè đã quá cầu kỳ. Mùa đông phải chờ có ánh sáng mặt trời, mùa hè chỉ cần trời sáng, và hái đến khoảng 9 rưỡi là phải nghỉ bởi nhiệt độ, ánh sáng gay gắt khiến chè héo nhanh. Vừa hái, vừa phải thường xuyên mang về bảo quản nơi râm mát, khô thoáng. Người chưa từng trồng chè nghe các nghệ nhân nói cũng như đang thấy búp nõn mướt xanh run rẩy trong gió sớm. “Cái tay hái chè, làm chè… mỗi người một duyên. Có người hái và sao, búp đều chằn chặn, đó là năng khiếu, cũng là sự đồng cảm với chè” - nghệ nhân Đỗ Thị Hiệp bày tỏ.
Giữa những chuyển động không ngừng của thời cuộc, khi công nghệ và thị trường len lỏi đến từng luống chè, người Thái Nguyên vẫn bước đi một cách vững vàng. Vừa bắt nhịp với nhịp sống hiện đại, vừa lặng lẽ giữ gìn cốt cách của một vùng đất có nghề, có hồn. Họ không tách mình ra khỏi đổi thay, cũng không để bản sắc bị hòa tan. Như nghệ nhân Đỗ Thị Hiệp, trong dáng ngồi lặng lẽ nơi bệnh viện, vẫn thấp thoáng, thổn thức ký ức bao mùa vụ, bao sớm khuya trên mảnh đất quê hương. Chè Thái Nguyên vì thế trở thành biểu hiện của đời sống văn hóa, tinh thần, nơi người làm nghề không ngừng học hỏi để nâng cao chất lượng, đồng thời cũng không buông lơi sự cẩn trọng, tỉ mỉ, ân cần.
* Tác phẩm tham gia Cuộc thi viết “Trăm năm đệ nhất danh trà”
thainguyen.gov.vn