Trà Thái Nguyên: Từ hương đất vươn tầm quốc tế - Kỳ 2: Trà ngon không tự thành danh
2025-07-08 17:59:00.0
>>>Trà Thái Nguyên: Từ hương đất vươn tầm quốc tế - Kỳ 1: Hái sương, sao lửa, giữ hương đất trời
Những đồi chè mang khát vọng quốc gia
Giữa miên man xanh biếc Tân Cương, có biết bao con người đang cần mẫn ngày đêm với nghề chè, âm thầm ấp ủ những khát vọng bình dị mà cũng thật lớn lao. Trồng chè, sao chè… và họ cũng gắn cuộc đời mình với giấc mơ đưa cây chè quê hương vượt khỏi lũy tre làng, vươn ra với thị trường lớn, mang theo bản sắc văn hóa của đất Thái Nguyên để xứng tầm quốc gia, quốc tế. Trong số những người đang tích cực bồi đắp cho diện mạo mới cho nghề chè hôm nay, bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt là một trong những gương mặt tiêu biểu, mang trong mình sự giao thoa tinh tế giữa truyền thống và hiện đại.
Nghệ nhân Đào Thanh Hảo (bên phải) trồng cây bàng vuông Trường Sa trên đất chè
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tân Cương, nơi mỗi búp chè thấm cả hồn núi lẫn giọt mồ hôi của bao thế hệ, bà Hảo vừa nối nghiệp cha ông bằng sự cần cù, chịu thương chịu khó lao động sản xuất, không ngừng học hỏi, đồng thời thắp lên khát vọng mới bằng niềm vui thời đại. Với bà, giữ nghề cần gắn với bản sắc, niềm tin và phẩm giá quê hương. Bởi lẽ đó, bà cũng hiểu rằng, nếu chỉ yêu nghề thôi vẫn chưa đủ mà cần phải thay đổi, làm mới, phải đủ tầm và đủ bản lĩnh để đưa cây chè bước ra thị trường lớn. Khởi đầu từ một tổ hợp tác với số thành viên ít ỏi, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt thành lập năm 2016 đã dần phát triển thành một đơn vị sản xuất chè bài bản, có vùng nguyên liệu hơn 10 ha và liên kết sản xuất với các hộ dân trên diện tích hơn 35 ha. Mỗi năm, hợp tác xã cung cấp ra thị trường trên 300 tấn chè búp khô, đạt doanh thu cao, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với thu nhập đáng kể. Điều đáng quý hơn, trong suốt hành trình phát triển ấy, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt nói riêng và các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nói chung, luôn chọn chất lượng là kim chỉ nam với phương châm “Trà sạch - Làm sạch - Nghĩ sạch”.
Sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, quy trình chăm sóc tự nhiên nên cây chè vì thế vừa giữ được năng suất, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, môi trường. (Ảnh: Trần Nhung)
Hợp tác xã Chè Hảo Đạt tiên phong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP định hướng hữu cơ, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, thay vào đó là sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, quy trình chăm sóc tự nhiên. Cây chè vì thế vừa giữ được năng suất, vừa nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, môi trường. Đây vừa là cách làm nông nghiệp khoa học, cũng thể hiện lối sống tử tế với đất, với người. Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng "dấn thân" mạnh mẽ vào ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp: Từ hệ thống sao sấy bằng gas thay vì than củi, dây chuyền chế biến tự động hóa 70%, máy đóng gói hiện đại, tem QR truy xuất nguồn gốc… đến cả phần mềm quản lý vùng trồng, máy chấm công điện tử, kho bảo quản lạnh và không gian văn hóa trà rộng hàng nghìn mét vuông. Mỗi chi tiết đều cho thấy tư duy bài bản, chuyên nghiệp và tầm nhìn xa của bà Đào Thanh Hảo, người phụ nữ kiên cường trong vai trò “thuyền trưởng” hợp tác xã chè thời 4.0.
Với nghệ nhân Đào Thanh Hảo, làm chè còn là cách kể lại câu chuyện quê hương. Hợp tác xã đã mạnh dạn đưa mô hình du lịch sinh thái kết hợp sản xuất vào hoạt động từ năm 2021. Khách đến nơi đây sẽ được tự tay hái chè, sao chè, pha trà, gói trà, nghe kể về lịch sử vùng đất, trải nghiệm bữa cơm quê, kho cá, thưởng trà trong không gian văn hóa bản địa. Đó vừa là trải nghiệm nông nghiệp, song, cao hơn là sự lan tỏa tinh thần trà Thái Nguyên sống động, hiện đại. Hướng đi này tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và nhiều vị trí việc làm mới, giúp hợp tác hỗ trợ vốn không lãi suất cho hơn 40 hộ nghèo mỗi năm, hướng dẫn kỹ thuật, giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giả. Nhờ đó, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt vừa xứng danh mô hình kinh tế nổi bật, cũng là hình mẫu của giá trị vì cộng đồng, gắn kết và tử tế.
Năm 2023, Hợp tác xã từng vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm. Tổng Bí thư cho rằng đây là mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả. Với việc xác định cây chè, sản phẩm trà là loại cây trồng mũi nhọn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, đẩy mạnh phát triển thương mại, xây dựng thương hiệu đã góp phần nâng cao chất lượng, vị thế, giá trị chè của Thái Nguyên của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là hướng đi đúng đắn phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân góp phần xây dựng nông thôn mới.
Du khách thích thú trải nghiệm hái chè cùng xã viên Hợp tác xã Chè Hảo Đạt (Ảnh: Trần Nhung)
Nâng cao vai trò “sứ giả văn hóa” đất chè
Trong bóng dáng bà con nông dân đang chăm chút từng búp trà, dễ nhận thấy một điều đặc biệt: Nơi đây, những người giữ lửa, truyền lửa cho thế hệ mới, phần lớn là phụ nữ. Mỗi câu chuyện của nghệ nhân Đào Thanh Hảo dù về cách chăm đất, hái chè, hay sao hương đều toát lên tình yêu tha thiết với quê hương. “Tôi muốn mỗi hộp trà đến tay khách sẽ gói ghém cả cốt cách và văn hóa Việt. Để rồi, người ta khi uống, có thể cảm được vị ngọt hậu của đất, mồ hôi và lòng người”, bà Hảo nói. Các nghệ nhân chia sẻ những câu chuyện từ chính trải nghiệm cuộc đời mình. Sau làn khói mong manh, dưới từng búp lá mướt xanh là cả nền tảng tri thức bản địa, lặng lẽ truyền đời qua đôi tay, vị giác và ký ức.
Mỗi mùa vụ, mỗi lứa chè một cung bậc riêng. Nếu chỉ biết hái, vò, sao đồng nghĩa mới biết việc cơ bản. Sống cùng cây chè, cần hiểu được lúc nào cây “ngủ”, cây “thức”, lúc nào thì búp vừa “vươn”. Chè xuân hương cốm nhẹ, ngậy, thơm ngọt. Hè, chè lên nhanh, mập mạp, nhưng chất tanin tăng, nắng gắt làm chè nhạt vị. Thu là mùa hoàn hảo nhất, khi cây chè “chín về tinh thần”: Hương vị đượm, pha 3 - 4 nước vẫn đậm đà. Các nghệ nhân tận tình hướng dẫn chúng tôi cách hái chè. Lứa chè bình thường 30 ngày, nếu hái búp làm trà đinh, thì hái ở ngày 27, trà nõn là ngày 28. Nếu muộn, búp đã lớn, nếu sớm thì trà non, vụng vị. Dù vậy, hái ở ngày 27 - 28 để được “một tôm một lá”, “một tôm hai lá” đòi hỏi kỹ thuật cao, rất khó hái và sản lượng thu hoạch không nhiều. Nói như các nghệ nhân, vừa hái theo công thức, vừa “theo nhịp thở đất trời”.
Hệ thống sao sấy chè bằng gas của Hợp tác xã Chè Hảo Đạt. (Ảnh: Trần Nhung)
Nhiều người vẫn nghĩ, sao chè trong chảo gang mới đúng nghĩa thứ thiệt, nhưng người xứ chè đều hiểu: Chảo gang giữ hương tốt - đúng, nhưng không đều nhiệt. Đốt bằng củi, lửa “nhảy múa”, người sao chè không phút ngơi tay. Các mẻ mất nhiều giờ đồng hồ, lấy hết cả ngày lao động. Hơn nữa, nếu không đủ kinh nghiệm hay mỏi mệt, lửa “già” hay “non”, đều có thể hỏng. Vò bằng tay thì hình thức cánh chè không đẹp nhưng “lợi nước” hơn. Ngược lại, vò bằng máy công nghiệp, nếu lạm dụng sẽ dập tới 100% tế bào mặt lá, nước thứ 2 - 3 không còn vị nữa. Trong khi đó, cái hay của chè vò tay chỉ dập 30 - 40% tế bào mặt lá, nước thứ 2 - 3 mới bung vị. Để tế bào mặt lá không bị làm dập triệt để, dưới bàn tay thợ giỏi, máy móc lại là “cánh tay nối dài” của tinh hoa. Người biết nghề có thể điều chỉnh nhiệt độ sao, tốc độ vò, thời điểm dừng đúng lúc “chín tới” của hương chè. Sao máy vẫn ra được “cái thần” của "chè chảo” nếu người làm đủ hiểu, đủ yêu. Nâng cao vai trò của những “sứ giả” đất chè cũng là câu chuyện rất đáng lưu tâm và đầu tư có chiều sâu để tạo nên sức lan tỏa.
* Tác phẩm tham gia Cuộc thi viết “Trăm năm đệ nhất danh trà”
thainguyen.gov.vn