Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT

 

Trà Thái Nguyên và khát vọng tỷ đô

2025-05-21 19:26:00.0

Năm 2025 là cột mốc ý nghĩa khi thế giới kỷ niệm 5 năm ngày Trà thế giới (21/5/2020 - 21/5/2025), một sự kiện nhằm tôn vinh giá trị của trà trong văn hóa, đời sống và phát triển bền vững. Với Việt Nam, đặc biệt là Thái Nguyên - vùng đất được mệnh danh “đệ nhất danh trà” đây không chỉ là dịp tri ân những người làm chè, mà còn là cơ hội để khẳng định vị thế chè Việt trên bản đồ thế giới.

Diễn đàn "Thái Nguyên - Trăm năm đệ nhất danh trà" được tổ chức tại Không gian Văn hóa trà của HTX Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên

Hành trình kết nối di sản và kinh tế - Diễn đàn tôn vinh chè Việt

Ngày 20/5, tại Không gian Văn hóa trà của Hợp tác xã (HTX) Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên, Diễn đàn “Thái Nguyên - Trăm năm đệ nhất danh trà” được tổ chức, là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi hoạt động “Trà Việt - Văn hóa và Di sản” thuộc Dự án “Tôi yêu văn hóa du lịch Việt Nam”. Diễn đàn không chỉ tôn vinh những giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời của trà Thái Nguyên, sự kiện còn là bước khởi đầu cho chiến lược dài hạn nhằm phát triển bền vững ngành chè Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Được thiên nhiên ưu đãi, thổ nhưỡng phù hợp, qua bàn tay khéo léo của con người đã tạo nên trà Thái Nguyên, đặc biệt là trà Tân Cương có hương cốm non đặc trưng, vị chát thanh và hậu ngọt sâu lắng. Loại trà này mang theo hành trình hơn một thế kỷ, bắt đầu từ đầu thế kỷ XX khi người Pháp đưa cây chè vào Tân Cương với kỹ thuật canh tác hiện đại nhằm xuất khẩu ra thế giới. Câu chuyện ấy được tái hiện sinh động tại Diễn đàn qua phần chia sẻ của bà Đào Thanh Hải, Chủ tịch HTX Chè Hảo Đạt - đơn vị đi đầu trong bảo tồn giống chè trung du truyền thống.

Cùng với đó, những phân tích từ học giả, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm và lãnh đạo địa phương cho thấy sự gắn kết giữa bảo tồn bản sắc văn hóa và định hình chiến lược kinh tế lâu dài cho ngành chè. Những dẫn chứng từ thực tiễn sản xuất, từ mô hình HTX đến việc xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đã làm nổi bật vai trò của trà như một phần không thể thiếu trong tiến trình phát triển nông nghiệp, văn hóa đặc thù Việt Nam. Diễn đàn không chỉ là một tọa đàm, mà còn là một không gian trải nghiệm văn hóa sống động. Người tham dự được trực tiếp thưởng trà trong nghi lễ truyền thống, tham quan quy trình chế biến trà thủ công tại chỗ, tìm hiểu về các giống chè bản địa quý hiếm - vốn là “di sản sống” của vùng đất Tân Cương.

Trà Thái Nguyên không dừng lại ở vai trò là một sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế, nó là kết quả của sự kết tinh giữa điều kiện tự nhiên đặc biệt - khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp, nguồn nước tinh khiết và sự tận tâm của người làm trà. Mỗi búp trà được hái đúng thời điểm, sao đúng kỹ thuật, ủ theo phương pháp cổ truyền, tạo ra loại trà mang đậm hồn đất Việt. Điều này đã được ghi nhận từ rất sớm, khi trong sách “Đại Nam nhất thống chí” của triều Nguyễn cuối thế kỷ XIX đã có đề cập đến trà Nam tại huyện Phú Lương (nay là một phần Thái Nguyên) với đánh giá “ngon hơn các nơi khác”. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc trà Thái Nguyên đã chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử trà Việt từ rất lâu.

Diễn đàn lần này khẳng định một cách thuyết phục rằng: Trà là cầu nối giữa các thế hệ, là chất xúc tác để đối thoại giữa quá khứ và tương lai, giữa bản sắc văn hóa và mục tiêu phát triển. Một điểm nhấn quan trọng là việc chuyển từ tư duy “sản xuất” sang tư duy “giá trị”, từ khai thác đơn thuần sang phát triển bền vững dựa trên bản sắc và tri thức bản địa.

Diễn giả chia sẻ về những cảm nhận, mong muốn của khách quốc tế khi đến thăm quan các vùng chè ở Việt Nam

Khát vọng tỷ đô - Trà Thái Nguyên vươn mình ra thế giới

Tại Diễn đàn “Thái Nguyên - Trăm năm đệ nhất danh trà”, một định hướng phát triển mới, mạnh mẽ và đầy khát vọng cho ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025 - 2030 đã được đề cập và xác lập rõ ràng. Theo Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 3/2/2025 của Tỉnh ủy Thái Nguyên, chè không chỉ giữ vai trò sản xuất truyền thống, mà được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, với mục tiêu đóng góp tối thiểu 1 tỷ USD vào GRDP của tỉnh.

Để hiện thực hóa khát vọng này, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hàng loạt giải pháp chiến lược. Trong đó, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những trọng tâm then chốt, nhằm nâng cao chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó là việc xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch, đạt chuẩn quốc tế, gắn liền với chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Mô hình liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã - doanh nghiệp - người nông dân cũng đang được đẩy mạnh, tạo thành hệ sinh thái chè thống nhất, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường toàn cầu.

Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Năm 2024, diện tích trồng chè toàn tỉnh đạt trên 22.200 ha, sản lượng búp tươi đạt trên 272,8 nghìn tấn, giá trị sản phẩm trà đạt 13,8 nghìn tỷ đồng. Thái Nguyên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè lên 24.500 ha và quyết tâm đạt mục tiêu 25 nghìn tỷ đồng (1 tỷ USD) vào năm 2030.

Phát triển du lịch cộng đồng, các đồi chè đẹp không chỉ tạo nguồn thu từ sản phẩm trà mà còn trở thành địa điểm hấp dẫn với khách thăm quan, giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế. (Ảnh: Bình Yên)

Một hướng đi chiến lược khác là phát triển du lịch trải nghiệm vùng chè, coi đây như một kênh tăng trưởng kép, vừa mở rộng đầu ra cho sản phẩm, vừa thúc đẩy quảng bá văn hóa bản địa. Các tour tham quan đồi chè, lớp học nghệ thuật thưởng trà, hoạt động lễ hội văn hóa gắn với cộng đồng... đang dần tạo thành một sản phẩm du lịch đặc trưng mang tên “Trà Thái Nguyên”. 

Song song với đó, chiến lược truyền thông và xúc tiến xuất khẩu cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao vị thế chè Thái Nguyên trên thị trường quốc tế. Với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, chè Thái Nguyên ngày càng hiện diện ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ - chứng minh giá trị vượt trội của chè không chỉ ở hương vị mà cả văn hóa, độ tin cậy và tính chuyên nghiệp.

Tất cả những yếu tố đó đã góp phần tạo nên một diện mạo mới cho ngành chè Thái Nguyên: Từ một sản phẩm nông nghiệp truyền thống vươn lên trở thành biểu tượng của giá trị xanh, sạch và hội nhập, không chỉ đóng góp thiết thực cho kinh tế địa phương mà còn nâng tầm thương hiệu nông sản Việt Nam trên trường quốc tế

Trà Việt - Sứ giả "mềm" của văn hóa dân tộc

Trà không đơn thuần là thức uống, mà là biểu tượng của lối sống, là triết lý sống chậm, tỉnh thức. Trà đã và đang từng bước trở thành "sứ giả mềm", đại diện cho bản sắc dân tộc, tâm hồn người Việt và tinh thần phương Đông sâu sắc. Một ấm trà không chỉ là sự kết tinh giữa thiên nhiên và kỹ nghệ truyền thống, mà còn là khởi đầu của sự kết nối - giữa người với người, giữa quá khứ và hiện tại, giữa bản sắc và hiện đại.

Nhà nghiên cứu văn hóa trà và sưu tầm ấm cổ Mông Đông Vũ cho rằng, chè Thái Nguyên đặc sắc bởi năm yếu tố cốt lõi: Sắc - Khí - Hương - Vị - Thần, trong đó “Vị” là yếu tố quan trọng nhất, không thể thay thế, tạo nên dấu ấn đặc trưng của trà Thái Nguyên mà không nơi nào có được. Còn “Thần”, chính là sự cuốn hút, cái cám dỗ tinh tế, là cái hồn chứa đựng cả bốn yếu tố còn lại, khiến người sành trà nhớ mãi không quên. Chính từ những tinh túy ấy, trà Thái Nguyên không chỉ là sản vật, mà là một thực thể sống động mang bản sắc văn hóa, có khả năng truyền cảm và chạm tới trái tim người thưởng trà ở bất kỳ đâu.

Thành viên HTX Chè Hảo Đạt trình diễn kỹ thuật chế biến trà xanh tại Diễn đàn

Khát vọng tỷ đô của ngành chè không chỉ là mục tiêu kinh tế, mà còn khẳng định vị thế trà Việt, đặc biệt là trà Thái Nguyên trên bản đồ văn hóa thế giới. Đó là khát vọng xây dựng Thái Nguyên không chỉ là thủ phủ sản xuất chè, mà trở thành trung tâm văn hóa trà của châu Á - nơi hội tụ của tinh thần Á Đông, nơi kết nối giữa truyền thống và hiện đại, nơi người ta không chỉ mua sản phẩm mà tìm thấy một giá trị sống.

Đức Năm
thainguyen.gov.vn

VIDEO

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 11926

TRANG THÔNG TIN CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH THÁI NGUYÊN

Trưởng ban biên tập: Đ/c Nguyễn Tá – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 728, đường Lương Ngọc Quyến, tổ 1, phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 02083.857.965 - Email: ccttbvtv@thainguyen.gov.vn