Đầu tư đồng bộ một số lĩnh vực hạ tầng tạo thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên
2025-04-22 17:38:00.0
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn vừa được khởi công tháng 3/2025 là một trong những dự án giúp mở rộng liên kết vùng
Các dự án hạ tầng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong quản lý và vận hành các khu đô thị, khu công nghiệp. Chính vì vậy, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần chung tay thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng đột phá để góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, các sở, ngành, địa phương tập trung phát triển 6 hạ tầng quan trọng: Hạ tầng giao thông; hạ tầng điện; hạ tầng cấp nước; hạ tầng thoát nước; hạ tầng đô thị; hạ tầng số.
Đối với hạ tầng giao thông, các sở, ban, ngành liên quan: Bổ sung vào quy hoạch mạng lưới đường bộ và mở rộng một số tuyến đường cao tốc; thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện 11 dự án trọng điểm đang triển khai; khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên…
Công ty Điện lực Thái Nguyên tổ chức nghiệm thu và đưa vào vận hành thành công MBA T3 tại TBA 110kV Yên Bình 8 (tháng 4/2025)
Về hạ tầng điện, theo dõi, giám sát, đôn đốc tiến độ các dự án lưới điện theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng phương án cung cấp điện trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, ổn định. Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng điện, đáp ứng việc cung cấp điện kịp thời cho các phụ tải quan trọng về an ninh, quốc phòng, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Về hạ tầng cấp nước: Tập trung phát triển mạng lưới cấp nước theo Quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện đã được phê duyệt để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đảm bảo về công suất, áp lực và tính liên tục trong cấp nước; phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chủ động nghiên cứu, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực cấp nước; nâng cao sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường.
Về hạ tầng thoát nước, cần tăng tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt trên 25%. Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các khu vực lõi đô thị của TP. Sông Công, TP. Phổ Yên; đảm bảo 100% các khu, cụm công nghiệp khi vận hành phải có trạm xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn.
Về hạ tầng đô thị, tập trung phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị theo Chương trình và Kế hoạch nhà ở đã được UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2025. Tập trung vào các dự án khu đô thị theo hướng đa chức năng (đô thị dịch vụ, đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng) quanh các khu công nghiệp lớn để thu hút dòng tiền, tạo quỹ nhà ở và quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Phân bố một số khu vực đã được cung cấp mạng 5G tại trung tâm TP. Thái Nguyên. (Ảnh chụp màn hình từ website: https://www.nperf.com)
Đối với hạ tầng số, mục tiêu năm 2025: Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng băng rộng cố định, băng rộng di động (4G, 5G); kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông; tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý và chỉ đạo đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông trên địa bàn. Phấn đấu đến hết năm 2025, Thái Nguyên đạt mục tiêu mạng 5G với tốc độ tối thiểu 100 Mbps, phủ sóng tại 100% trường đại học và bệnh viện; tỷ lệ phủ sóng 5G trên địa bàn tỉnh ≥ 60%; 100% tuyến cao tốc, quốc lộ được phủ sóng băng rộng di động 4G/5G; phổ cập kết nối cáp quang băng rộng tới hộ gia đình, 100% khách hàng có nhu cầu đều có truy cập FTTH tốc độ Gbps.
thainguyen.gov.vn