Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT

 

Hiện thực hóa tầm nhìn của Bác về “xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”

2025-05-19 14:50:00.0

Từng có thời gian công tác tại Việt Nam với cương vị chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB), là tác giả một số quyển sách về Hà Nội, ông Martín Rama, chuyên gia kinh tế người Uruguay cảm nhận rõ những bước phát triển của Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Chuyên gia kinh tế Martín Rama là tác giả cuốn sách “Hà Nội - Một chốn rong chơi” (giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2014) và “Vì tình yêu Hà Nội” (2023) về bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Ảnh: TTXVN phát

Với kinh nghiệm làm việc tại nhiều quốc gia và từng đảm nhiệm vị trí Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Mỹ Latinh và Caribe của WB (2019-2021), đồng thời từng đảm nhiệm vị trí tương tự tại Nam Á (2013-2018), ông Rama đánh giá Việt Nam là một trong những hình mẫu thành công nhất về phát triển kinh tế trong lịch sử hiện đại.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2002-2010 khi làm Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, nhà kinh tế học người Uruguay đã trực tiếp tham gia hỗ trợ nhiều cải cách quan trọng của đất nước. Theo ông, Việt Nam đã chứng minh được khả năng chuyển mình mạnh mẽ từ một nước nghèo trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đồng thời cải thiện đáng kể chất lượng sống của người dân trên mọi phương diện.

Đánh giá những thành tựu nổi bật của Việt Nam giúp hiện thực hóa tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Rama cho rằng lịch sử phát triển gần đây của Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất thế giới. Vị chuyên gia kinh tế từng làm việc tại nhiều quốc gia này dự báo vài năm tới, các thế hệ nhà kinh tế sẽ nghiên cứu Việt Nam với sự ngưỡng mộ như cách chúng ta nhìn về “con Hổ châu Á” hay các nước Bắc Âu ngày nay.

Theo ông Rama, các chỉ số kinh tế cho thấy tốc độ phát triển của Việt Nam thật phi thường. Chưa đầy hai thế hệ, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất đã vươn lên mức thu nhập trung bình. Chuyên gia trên dự báo, với tốc độ tăng trưởng hiện tại thuộc hàng cao nhất thế giới, chỉ một thế hệ nữa, Việt Nam có thể gia nhập nhóm nước thu nhập cao.

Đời sống người dân cải thiện rõ rệt. Khi WB lần đầu đo mức tiêu dùng hộ gia đình theo chuẩn quốc tế những năm 90 của thế kỷ XX, khoảng 90% dân số Việt Nam dưới ngưỡng nghèo. Nay, tỷ lệ đó gần như bằng 0. Đời sống nhân dân được cải thiện với sự thay đổi qua giáo dục, y tế, nhà ở. Theo chuyên gia kinh tế Rama, đa số người Việt nay kỳ vọng cuộc sống trung lưu: mua ô tô, du lịch, cho con học đại học…, vốn là điều không tưởng vào thời chiến tranh. Có thể thấy rõ Việt Nam hôm nay đã thịnh vượng hơn rất nhiều.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, ông Rama bày tỏ tự hào về 8 năm lãnh đạo chương trình kinh tế của WB tại Hà Nội, cũng như vinh dự được hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong các cải cách then chốt: hiện đại hóa tài chính công, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cải cách ngân hàng, hay luật An sinh xã hội đầu tiên.

Khi so sánh với các nước trong khu vực, ông Rama cho rằng Việt Nam có điểm chung với Hàn Quốc là chuyển dịch từ nông nghiệp sang sản xuất hàng đơn giản, rồi sản phẩm công nghệ cao, nhưng Việt Nam thực hiện quá trình này nhanh hơn. Từ nền kinh tế đóng, Việt Nam đã thành cường quốc xuất khẩu gạo, cà phê, dệt may. Giờ đây, hàng công nghệ như máy tính bảng, phần mềm chiếm tỷ trọng lớn. Khác biệt lớn là Việt Nam khởi đầu từ kinh tế kế hoạch hóa. Việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi giải quyết những thách thức phức tạp.

Ông Rama nhận định Việt Nam làm rất tốt, chẳng hạn, Việt Nam tập trung ưu tiên đúng trọng tâm từng giai đoạn. Thời kỳ đầu, chìa khóa là phân phối đất nông nghiệp công bằng cho hộ gia đình. Khác nhiều nước chuyển đổi, người dân nhanh chóng được quyền mua bán, thế chấp đất, tạo động lực nâng cao hiệu quả sử dụng.

Ông Rama cho rằng Việt Nam cũng có cách tiếp cận độc đáo với doanh nghiệp nhà nước. Thay vì chọn tư nhân hóa ồ ạt, Việt Nam để doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy khu vực tư nhân. Quan trọng hơn, Việt Nam ưu tiên hỗ trợ lao động có nguy cơ mất việc khi doanh nghiệp nhà nước tái cơ cấu. Nhờ vậy, sản xuất không sụp đổ, xã hội không rối loạn.

Theo ông Rama, Việt Nam cũng cởi mở hơn về văn hóa-xã hội so với các nước từng theo kế hoạch hóa. Công cuộc Đổi mới bắt đầu bằng tuyên bố rõ ràng: Việt Nam là bạn của mọi quốc gia, kể cả những nước từng là đối thủ. Tinh thần này giúp người dân tiếp cận internet, giao lưu quốc tế, hợp tác với nhà đầu tư/nhà khoa học nước ngoài dễ dàng.

Là nhà kinh tế, ông Rama bày tỏ ngưỡng mộ cách Việt Nam giải quyết các vấn đề này. Vị chuyên gia này vẫn mãi ghi nhớ và cảm ơn những cuộc trao đổi với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào những năm 2008. Khi đó, ông đã được nghe về các nhà lãnh đạo, dù không được đào tạo về kinh tế, đã dũng cảm thử nghiệm, rút kinh nghiệm từ sai lầm, và xây dựng đồng thuận. Tất cả với tinh thần yêu nước như Bác Hồ: thuyết phục, không áp đặt những người có quan điểm khác biệt.

Ông Rama là tác giả cuốn sách “Hà Nội - Một chốn rong chơi” (giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2014) và “Vì tình yêu Hà Nội” (2023) về bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Với kinh nghiệm gắn bó lâu năm, ông Rama đánh giá cao việc lãnh đạo Hà Nội đã có những quyết định đúng đắn trong quy hoạch, giữ gìn di sản kiến trúc và lắng nghe ý kiến người dân như kế hoạch trồng cây xanh.

Tuy nhiên, để giữ vẻ đẹp hài hòa của thủ đô như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong, chuyên gia Rama cho rằng Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo tồn bản sắc đô thị giữa thời bùng nổ kinh tế bởi đây cũng là một nhiệm vụ khó khăn. Theo ông Rama - người từng nhận định Hà Nội là một trong những thành phố “thay đổi nhanh nhất thế giới” 20 năm qua, sự phát triển kinh tế tạo ra thách thức lớn đối với nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa.

Hà Nội ngày nay đã thay đổi nhiều về quy mô, cơ sở hạ tầng và nhịp sống do quá trình đô thị hóa. Không ngạc nhiên khi chỉ sau hai thế hệ, dân số các đô thị lớn của Việt Nam tăng mạnh. Hà Nội nay có thể rộng gấp 10 lần thời bao cấp, với đường phố mở rộng, cao tốc, tòa nhà chọc trời, mật độ dày đặc… kèm theo ùn tắc và ô nhiễm. Thời Bác Hồ, Hà Nội gắn với hồ nước, phố cây xanh, đền chùa, kiến trúc thuộc địa, nhà ống, chợ truyền thống… Nhịp sống chậm, người dân đi xe đạp, dành thời gian cho gia đình và bạn bè.

Theo ông, giữ được không khí ấy trong một đô thị sôi động, nơi hàng triệu người di chuyển mỗi ngày, là điều cực kỳ khó. Mặc dù vậy, ông cho rằng Hà Nội vẫn giữ được bản sắc, ngày càng thu hút lượng khách quốc tế khác với nhiều đô thị châu Á khác đánh mất vẻ quyến rũ sau khi kinh tế phát triển nhanh, trở thành những “rừng bê tông” với trung tâm thương mại và đường cao tốc.

Trong bối cảnh kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), những chia sẻ của ông Martin Rama càng trở nên ý nghĩa khi góp phần khẳng định giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay. Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, từ cải cách thể chế đến xây dựng đô thị bền vững, đều thể hiện rõ nét tầm nhìn vượt thời đại của vị lãnh tụ vĩ đại, đồng thời cho thấy sự tiếp nối và phát triển những giá trị cốt lõi đó trong bối cảnh mới.


baotintuc.vn

VIDEO

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 11882

TRANG THÔNG TIN CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH THÁI NGUYÊN

Trưởng ban biên tập: Đ/c Nguyễn Tá – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 728, đường Lương Ngọc Quyến, tổ 1, phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 02083.857.965 - Email: ccttbvtv@thainguyen.gov.vn